Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng

Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ rời chính trường sau 9 năm 10 tháng giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ nếu Quốc hội đồng ý miễn nhiệm.

Theo chương trình của kỳ họp 11 Quốc hội khóa 13, sáng 6/4, các đại biểu sẽ nghe Tờ trình miễn nhiệm Thủ tướng do Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bằng hình thức bỏ phiếu kín sau khi đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng.

Ông Nguyễn Tấn Dũng giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ gần 10 năm. Ảnh:Giang Huy.

Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng.

Ông Nguyễn Tấn Dũng năm nay 67 tuổi, quê tại Cà Mau, từng tham gia quân đội, làm Trưởng ban cán bộ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.

Năm 1981, ông phục viên, kinh qua nhiều chức vụ ở tỉnh Kiên Giang, năm 1995 ra Trung ương làm Thứ trưởng Công an.

Năm 1997, ông trở thành Phó thủ tướng trẻ nhất bấy giờ ở tuổi 48 tuổi. Giai đoạn 1998-1999, ông kiêm nhiệm chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Bí thư Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2006, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng trẻ nhất trong 20 năm.

Tại Đại hội Đảng XII hồi tháng 1 vừa qua, ông cùng 8 ủy viên Bộ Chính trị không tham gia Ban Chấp hành khóa mới.

Ở phiên họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ (ngày 26/3), Thủ tướng đã phát biểu chia tay các cộng sự lâu năm. "Phiên họp Chính phủ tới, tôi với 19 đồng chí không có mặt. Tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc, Văn phòng Chính phủ đã gần 20 năm phục vụ, tạo điều kiện cho tôi thực hiện nhiệm vụ. Cám ơn các chuyên gia tư vấn đã đóng góp rất tích cực", ông nói.

Theo ông, Chính phủ đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng suốt 10 năm qua để thực hiện nhiệm vụ, vượt qua nhiều thách thức. Việc Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm cao nhất với Thủ tướng là sự đánh giá nỗ lực của tập thể Chính phủ.

Chúc mừng các thành viên tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ, ông cũng tâm sự với 15 người nghỉ hưu và với chính bản thân: "Ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt. Tùy mỗi hoàn cảnh, mỗi đồng chí đóng góp hết sức mình cho đảng, cho dân".

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu vào chức danh Thủ tướng. Ảnh: Giang Huy.

Cũng trong ngày làm việc 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng mới. Việc bầu Thủ tướng mới diễn ra ngày 7/4. Tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ khi nhậm chức.

Người được giới thiệu kế nhiệm vị trí đứng đầu Chính phủ là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 62 tuổi, quê ở Quảng Nam. Trước khi làm Phó thủ tướng, ông từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, , Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII; ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII.

27 thành viên Chính phủ đương nhiệm

Chuyên đề