Quốc hội thông qua nhiều chính sách liên quan đến người lao động

(BĐT) - Sáng ngày 20/11, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 435 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 90,06%).
Quốc hội thông qua nhiều chính sách liên quan đến người lao động

Bộ luật gồm có 17 chương, 220 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, thay thế cho Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13.

Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu, theo quy định mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi), kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng và lao động nữ là đủ 55 tuổi 04 tháng. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Người lao động phải bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tuổi nghỉ hưu có thể thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại Khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt, tuổi nghỉ hưu có thể cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại Khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Riêng đối với đề xuất gây tranh cãi thời gian qua - giảm thời giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ và tăng khung giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm, Quốc hội chưa đưa vào Bộ luật Lao động sửa đổi lần này. Trước đó, Chính phủ đã có công văn đề nghị giữ nguyên quy định của bộ luật hiện hành và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội sẽ có đề xuất lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp.

Liên quan tới người lao động, cũng trong Kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng vào ngày 1/7/2019. Mức tăng này sẽ tác động tới nhiều chính sách về lương hưu, BHXH, bảo hiểm y tế theo hướng có lợi cho người lao động.

Chuyên đề