Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi)

Các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) và cho rằng, trong tình hình khai thác thủy sản có nguy cơ tận diệt như hiện nay thì dự thảo Luật là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản.
Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Ảnh minh họa
Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Ảnh minh họa

Sáng 20/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi).

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Luật Thủy sản được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004.

Sau 13 năm thực hiện, Luật Thủy sản năm 2003 đã góp phần tạo hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho các hoạt động thủy sản, nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về thủy sản, góp phần khai thác tiềm năng của nước ta trong hoạt động thủy sản và góp phần đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, để phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) và tình hình thực tiễn, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về tên gọi của Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí tên gọi là Luật Thuỷ sản (sửa đổi) như đề nghị của Chính phủ vì phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội hàm của dự án Luật.

Về đối tượng áp dụng, Ủy ban đề nghị ban soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu để bổ sung nội dung về khai thác ngoài vùng biển Việt Nam cho phù hợp. Tuy trong dự thảo Luật đã có riêng Mục 3, Chương IV quy định về nội dung này, nhưng cần được chi tiết hơn. Các quy định cần được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, cũng như các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương với các nước liên quan.

Dự thảo Luật có 8 chương 100 điều, về cơ bản giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản năm 2003, nhưng có giảm 2 chương  và tăng 38 điều. Bố cục của dự thảo Luật là khá rõ ràng. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị ban soạn thảo cần xem xét để thể hiện có 1 chương riêng về quản lý Nhà nước trong hoạt động thủy sản trên cơ sở tách Điều 7 và quy định rõ hơn về chức năng, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) và cho rằng, trong tình hình khai thác thủy sản có nguy cơ tận diệt như hiện nay thì dự thảo Luật là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thủy sản, đẩy mạnh phát triển thủy sản thành ngành kinh tế theo chuỗi giá trị.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bày tỏ không đồng tình với việc thành lập kiểm ngư ở cấp tỉnh

Nhiều tranh luận về việc lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh

Trong buổi thảo luận sáng nay, một trong những nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến về dự thảo Luật này là chế định về lực lượng kiểm ngư.

Đồng tình về việc cần thiết thành lập lực lượng kiểm ngư ở cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) phân tích, Chiến lược biển Việt Nam xác định, mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Muốn phát triển kinh tế biển thì biển phải mạnh. Do đó, việc khai thác tiềm năng biển, trong đó có nuôi trồng, khai thác thủy sản phải gắn với an ninh quốc phòng, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

Đại biểu Thủy chỉ rõ, thời gian qua, lực lượng kiểm ngư trên biển khá thưa thớt, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí, giới hạn về quyền hạn, phương tiện hoạt động còn cũ kỹ, lạc hậu…

Nếu có lực lượng kiểm ngư thường xuyên nâng cao kiểm soát sẽ góp phần nâng cao cảnh giác và cùng với các lực lượng chấp pháp khác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân phòng tránh bão, bảo vệ an an ninh trên biển.

Trên cơ sở đó, bà Thủy cho rằng, cần thành lập kiểm ngư ở các tỉnh có biển và một số tỉnh biên giới có sông lớn chảy qua, có nguồn lợi thuỷ sản phong phú để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng thành lập ồ ạt các chi cục kiểm ngư cấp tỉnh đầu tư mua sắm trang thiết bị nhưng không đủ năng lực, không đủ kinh phí, gây lãng phí, bà Thủy đề nghị Chính phủ phân cấp cho UBND cấp tỉnh chỉ thành lập kiểm ngư cấp tỉnh theo phương án không tăng biên chế theo Nghị quyết 39; thành lập theo lộ trình, chỉ thành lập khi đã đủ điều kiện và thực sự cần thiết. Đồng thời, đã thành lập thì địa phương phải bảo đảm điều kiện cho lực lượng kiểm ngư hoạt động.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) ủng hộ việc quy định lực lượng kiểm ngư Trung ương và quy định kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, một trong những vấn đề mà cử tri rất bức xúc đó là việc sử dụng ngư cụ để khai thác thủy sản mang tính tận diệt đang ngày càng gia tăng, do vậy, cần thiết có lực lượng thực thi pháp luật đủ mạnh như kiểm ngư để bảo vệ nguồn lơi thủy sản một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, để bảo đảm được sự thống nhất trong quản lý, huy động lực lượng tham gia chủ quyền, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ ngư dân trên biển được thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả, thì lực lượng kiểm ngư này sẽ được chuyển đổi từ lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lại bày tỏ không đồng tình với việc thành lập kiểm ngư ở cấp tỉnh. Theo ông Cương, khái niệm “kiểm ngư” trong dự thảo Luật không rõ, không có sự kế thừa quy định của Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư. Lực lượng kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, thậm chí được giao một số hoạt động liên quan đến tố tụng ban đầu và thực hiện thanh tra chuyên ngành trên vùng biển về thủy sản.

Điều mà ông Cương băn khoăn là nếu thành lập lượng kiểm ngư ở cấp tỉnh sẽ có thể làm tăng biên chế. Bởi lẽ, trước đây, chúng ta có cơ quan kiểm ngư Trung ương và cấp vùng. Sau khi có Nghị định 102, một số tỉnh đã thành lập lực lượng này.

“Trong tình hình chủ trương về tinh giản biên chế đang được đặt ra như hiện nay thì không nên để Luật Thủy sản (sửa đổi) hợp lý hóa lực lượng này”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.

Chuyên đề