Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, nỗi lo tận thu: Doanh nghiệp làm 10 đồng đóng thuế 4 đồng

(BĐT) - Thực tế năm 2017 cho thấy đã áp dụng tối đa các giải pháp tận thu, tăng thuế, phí rất cao, nhưng kết quả thu ngân sách nhà nước vẫn giảm, thu không đủ chi. Tình hình này đặt vấn đề cần xem xét lại chính sách thu để giảm thâm hụt ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu.
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và năm 2018. Ảnh: VGP
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và năm 2018. Ảnh: VGP

Đây là một trong những nỗi quan ngại lớn nhất được đại biểu Lê Minh Chuẩn (đoàn Quảng Ninh) chia sẻ trong phiên thảo luận đầu tiên của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và năm 2018 diễn ra sáng nay (31/10).

Theo đại biểu Chuẩn, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên chuyển sang công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức, nổi lên là thâm hụt ngân sách và nợ công, thu ngân sách tiếp tục giảm.

Thu ngân sách 9 tháng mới đạt 69,5% dự toán, trong đó thu từ khu vực DNNN, khu vực ngoài quốc doanh, khu vực FDI đều thấp so với cùng kỳ năm trước. “Như vậy, việc NSTW năm 2017 có khả năng hụt thu là điều rất đáng quan tâm”, đại biểu Chuẩn nhấn mạnh.

Ông Chuẩn cho rằng, với thực trạng thu không đủ chi nên đã phải tính đến giải pháp tăng thu thông qua tăng thuế, phí, dẫn đến hạn chế đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh.

Đại biểu đưa ra một loạt dẫn chứng. Doanh nghiệp phải chịu từ 12 đến 15 loại thuế, phí. Việt Nam là một trong những nước có nguồn thu từ người dân trên tổng thu nhập xã hội là rất cao so với nhiều nước cùng có mức thu nhập và trình độ phát triển. Mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí trên GDP gấp 1,4 – 3 lần so với các nước trong khu vực, tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp lên đến 39,4% lợi nhuận, tức là làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng.

“Như vậy thực tế 2017 cho thấy dù đã tăng thu tối đa với thuế, phí cao, nhưng kết quả thu NSNN không đạt như mục tiêu, phải chăng xem xét lại chính sách thuế phí hiện hành, thay vì tận thu, hành thu doanh nghiệp sang nuôi dưỡng nguồn thu để đảm bảo tính bền vững của thu NSNN”, đại biểu Chuẩn khuyến nghị. Giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu là tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, phí, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, từ đó tăng thu NSNN,….

Lần đầu tiên, Quốc hội dành tới 2 ngày rưỡi, từ ngày 31/10 đến hết sáng 2/11, để các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN. Trong sáng đầu tiên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2017 và sự điều hành quyết liệt, tinh thần kiến tạo của Chính phủ.

Đa số ý kiến cũng đồng tình với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tại báo cáo của Chính phủ, cho rằng đây là mục tiêu phù hợp để vừa phát triển nhanh, bền vững vừa đảm bảo nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung cho tái cơ cấu nền kinh tế và kiên định thực hiện các mục tiêu dài hạn khác. 

Chuyên đề