Quốc hội thảo luận phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tham nhũng

Trong 2 ngày 6-7/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng...
Quốc hội thảo luận phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tham nhũng

Cụ thể, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đầu giờ sáng ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tóm tắt Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017.

Các loại tội phạm đã được kìm chế, kéo giảm đáng kể 

Theo báo cáo của Bộ trưởng Tô Lâm, năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực cao của các bộ, ngành, địa phương nhất là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, với nòng cốt là lực lượng công an nhân dân, biên phòng, các loại tội phạm đã được kìm chế, kéo giảm đáng kể, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 2017 đã đạt nhiều kết quả tích cực, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và đối ngoại của đất nước. 

Theo đó, lực lượng chức năng đã khởi tố điều tra 40.497 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội với 58.983 bị can, giảm 5,48% số vụ và giảm 8,08 số bị can so với năm 2016. Tuy nhiên, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lưu manh côn đồ có hung khí vẫn xảy ra ở một số nơi. Đáng chú ý, sự gắn kết, đan xem giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma túy; tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp; tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động xảy ra ở một số địa phương. 

Về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và tham nhũng, đã phát hiện, khởi tố điều tra 854 vụ, 1.491 bị can về tội xâm phạm quản lý kinh tế, ít hơn 33,49% số vụ, 26,27% bị can so với năm 2016. 

Ngược lại với xu hướng giảm của tội xâm phạm quản lý kinh tế, tội phạm tham nhũng lại tăng cao cả về số vụ lẫn số bị can với 220 vụ, 479 bị can, tăng 22,8% số vụ và 28,07% số bị can so với năm 2016. Tội phạm về chức vụ đã khởi tối 22 vụ, 803 bị can, ít hơn 8,35% số vụ nhưng lại nhiều hơn 66,13% bị can. 

Tội phạm về môi trường đã khởi tố điều tra 348 vụ, 409 bị can, nhiều hơn 19,15% số vụ, 20,29% số bị can so với năm 2016. Tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khởi tố điều tra 197 vụ, 339 bị can, ít hơn 9,22% số vụ và 27,18% bị can so với năm 2016. 

Riêng tội phạm về ma túy vẫn tiếp tục tăng, đã khởi tố điều tra 16.923 vụ, 20.791 bị can, nhiều hơn 10,13% số vụ, 8,47% số bị can so với năm 2016, thu giữ số lượng lớn ma túy. Theo Thượng tướng Tô Lâm, tội phạm vận chuyển ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên các địa bàn trọng điểm. Đặc biệt đã phát hiện một số vụ việc sản xuất ma túy tổng hợp ngay trong nước. 

Vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến trên các lĩnh vực và địa bàn, nhất là vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vi phạm về các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, vi phạm về phòng chống cháy nổ, vi phạm trên các lĩnh vực ngân hàng, hải quan, thuế, chứng khoán, tài nguyên môi trường, an toàn thực phẩm…

Tội phạm 2018 vẫn dự báo phức tạp 

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan điều tra với viện kiểm sát trong giải quyết tố giác, tin báo tội phạm kiến nghị khởi tố chặt chẽ hơn; chất lượng công tác điều tra, xử lý vi phạm được nâng lên rõ rệt. 

Minh chứng bằng con số, trong năm, lực lượng công an đã triệt phá 3.736 băng nhóm tội phạm; tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm về trật tự xã hội là 83%; riêng các vụ việc rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,69%; bắt và vận động đầu thú hơn 7.916 đối tượng truy nã; số đối tượng truy nã đã 3,81%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. 

Về nâng cao chất lượng công tác điều tra, các cơ quan điều tra các cấp luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm và trách nhiệm liên đới của thủ trưởng cơ quan điều tra. Công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm điều tra viên, cán bộ điều tra tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. 

Công tác tiếp nhận, phân loại và quản lý tạm giam, tạm giữ được tiến hành chặt chẽ, đảm bảo quyền con người theo đúng yêu cầu của pháp luật. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động điều tra được quan tâm tổ chức thực hiện nghiêm túc, góp phần hạn chế khiếu kiện đông người (giảm hơn 20% lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo). 

Dự báo năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công an nhận định: Tình hình tội phạm có xu hướng phức tạp và nghiêm trọng, với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, vi phạm pháp luật còn xảy ra nhiều nếu không có biện pháp quyết liệt. Do đó, 10 giải pháp thực hiện đã được đưa ra, bao gồm: 

Xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành. gắn với trách nhiệm của ngươi đứng đầu; phát huy sự tham gia của toàn dân với nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. 

Bám sát tình hình trong nước và thế giới, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát huy vai trò của các đoàn thể, hội trong đảm bảo ANTT ở cơ sở. 

Kiểm tra, rà soát, khắc phục những bất cập, thiếu sót, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. 

Tiếp tục các đợt cao điểm tấn công tội phạm, không để tội phạm lộng hành, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm. 

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra; tăng cường kỳ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các vi phạm tiêu cực của cán bộ công chức, viên chức... 

Bộ Công an đề xuất, kiến nghị 

Để hỗ trợ tốt hơn công tác phòng, chống tội phạm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất: 

Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là Luật giám định tư pháp (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi)... 

Đẩy mạnh công tác giám sát với các bộ, ngành, địa phương về nhiệm vụ phòng chống pháp luật và vi phạm pháp luật. 

Quan tâm bố trí nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên phê duyệt, phân bổ kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

* Tiếp đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân).

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án.

Tổng Thanh tra Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Đồng tình với đánh giá của Chính phủ 

Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC năm 2017 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho thấy, năm 2017, Chính phủ, TAND, VKSND đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, bảo đảm giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng phát triển KT-XH đất nước. Các báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trên các mặt công tác và đề ra các giải pháp khắc phục. 

Ủy ban Tư pháp đồng tình với đánh giá của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; nhận thấy Chính phủ, các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác này. 

Tuy nhiên, vẫn còn 7 nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật rất đáng quan tâm. Những vi phạm pháp luật và tội phạm này không chỉ mới xuất hiện trong năm 2017 mà đã kéo dài nhiều nằm và đang tiếp tục gia gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, cho thấy hiệu quả công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc buông lỏng quản lý, né tránh, nể nang, chưa xử lý nghiêm người đứng đầu, có trách nhiệm quản lý để xảy ra vi phạm, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho vi phạm. 

Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ xử lý nghiêm vi  phạm, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, kéo dài như: tình trạng phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép… 

Với việc phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2017, công tác này có chuyển biến tích cực, nhiều vụ việc được xử lý kịp thời, các vụ án trọng án được khám phá nhanh, đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, trốn thuế vẫn rất phổ biến nhưng số vụ được phát hiện, xử lý không nhiều… 

Số lượng vi phạm pháp luật hành chính rất lớn, trong đó có nhiều vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự nhưng số vụ kiến nghị xử lý hình sự không nhiều. Dư luận và cử tri cho rằng, nhiều trường hợp còn có biểu hiện “hành chính hóa” quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. “Đây là vấn đề Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị với Chính phủ nhiều năm nhưng đến nay chưa được khắc phục”, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga nhấn mạnh. 

32 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố 

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Viện trưởng VKSNDTC về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2017, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Số lượng tố giác, tin báo về tội phạm được kiểm sát tăng. Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cơ bản đúng pháp luật. 

Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, một số VKSND chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nhất là đối với các tố giác, tin báo về tham nhũng. Vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp quá hạn tạm giam, tạm giữ. Tiến độ, chất lượng giải quyết một số vụ án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đáng lưu lý còn 32 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng tăng… 

Năm 2017 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan 

Với công tác xét xử của TAND các cấp, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, năm 2017 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt được áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật. 

Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, vẫn còn một tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa. Tỷ lệ Tòa án chấp nhận kháng nghị phúc thẩm của VKS tăng so với cùng kỳ năm trước. Một số trường hợp TA tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, còn 0,5% trong tổng số các trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định, phải sửa án. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao, tỷ lệ án hủy tăng so với năm 2016, chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết của QH. 

Nguyên nhân của tình trạng này là do đánh giá chứng cứ chưa toàn diện và vẫn còn biểu hiện ngại va chạm với chính quyền. “Đây vẫn là hạn chế lớn nhất trong công tác xét xử án hành chính của TAND đã tồn tại nhiều năm nay”, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga nhận định. 

Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong công tác thi hành án, trong đó có thi hành án dân sự. Số việc thi hành án dân sự xong năm 2017 đạt tỷ lệ cao, trong đó các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng tăng 8.046 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định mới về việc xác minh điều kiện thi hành án ở nhiều địa phương vẫn còn xảy ra sai phạm. Số án có điều kiện thi hành, nhưng chưa tổ chức thi hành xong phải chuyển năm sau còn lớn…

* Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

* Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Sau đó, cơ quan trình báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều 7/11, Tổng Thanh tra Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 (bao gồm cả nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Cơ quan trình báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.

Chuyên đề