Quốc hội “nóng” với các dự án của Bộ Công Thương

(BĐT) - Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã “rất vất vả” với các chất vấn liên quan đến các dự án mà bộ này quản lý (5 dự án thua lỗ nghìn tỷ, đầu tư các dự án thép). 

Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến các dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Việt Dũng

Các đại biểu yêu cầu vị tư lệnh ngành công thương phải chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp (DN) để xảy ra những dự án thua lỗ, kém hiệu quả. 

Yêu cầu làm rõ trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã mở đầu phiên chất vấn với yêu cầu chỉ rõ trách nhiệm của những người quản trị tại DN, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ đang được dư luận quan tâm. Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, 5 dự án này được xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện hoạt động đầu tư từ năm 2003 - 2008 và kéo dài đến nay, thuộc nhiều lĩnh vực từ gang thép, xơ sợi phục vụ cho công nghiệp dệt may, đến lĩnh vực đạm phục vụ sản xuất phân bón, xăng ethanol, xăng sinh học… Trong từng lĩnh vực và từng dự án sẽ có những diễn biến khác nhau, kéo dài nên có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Quan điểm của Chính phủ và các bộ, ngành khi tổ chức đánh giá và xử lý trách nhiệm cần phải xem xét đầy đủ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, căn cứ những quy định pháp lý từng thời điểm để làm rõ trách nhiệm. Giải pháp cho các dự án này cần phải được xem xét toàn diện, phù hợp với khung khổ pháp lý, nguyên tắc kinh tế thị trường và bảo đảm mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước.

Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và báo cáo đầy đủ về vấn đề này tới Chính phủ và các đại biểu Quốc hội trong thời gian tới.

Với phần trả lời của ông Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh thẳng thắn: “Bộ trưởng chưa đi thẳng vào nội dung này” và nhận xét: “Tôi rất lo ngại khi nghe Bộ trưởng báo cáo, khi đầu tư dự án tại các tổng công ty 90, 91, cơ quan quản lý nhà nước cho chủ trương đầu tư, còn lại triển khai thủ tục đầu tư và quản lý đầu tư do các chủ đầu tư thực hiện. Điều này tôi thấy hoàn toàn không ổn”. Đại biểu này nêu quan điểm: “Tại sao Đạm Ninh Bình, Giấy Tân An lại nói công nghệ không phù hợp. Vậy vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ đến đâu trong việc tham gia cùng bộ quản lý chuyên ngành về việc quản lý tài sản của Nhà nước được đầu tư tại doanh nghiệp, tôi thấy chưa rõ. Vai trò của Bộ Tài chính đến đâu trong việc quản lý vốn ngân sách nhà nước ở tại doanh nghiệp?”. 

Đầu tư theo quy hoạch hay quy hoạch theo đầu tư

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có vấn đề lợi ích nhóm ở đây.
Chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về bổ sung quy hoạch Dự án Thép Cà Ná, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) dẫn đề từ bài học xương máu từ sự cố về môi trường của 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra. Đại biểu Hiền nêu quan điểm: “Có hay không việc Bộ đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án, đầu tư theo quy hoạch hay quy hoạch theo đầu tư?”.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, chủ trương, quan điểm của Chính phủ là phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực. Do đó, ông Trần Tuấn Anh khẳng định, không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có vấn đề lợi ích nhóm ở đây.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh quy hoạch về ngành thép đã có từ những năm 2011 và dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận đã được phê duyệt từ năm 2011. Quy hoạch này đã được làm đầy đủ các quy trình, thủ tục và có báo cáo đánh giá tác động môi trường của quy hoạch. Vào các năm 2008 - 2009, dự án thép này không được tiếp tục thực hiện vì năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề sau khủng hoảng tài chính thì dự án này đã được đưa ra khỏi quy hoạch.

Tuy nhiên, cuối năm 2015, Dự án tiếp tục được nghiên cứu và Tôn Hoa Sen đã làm việc với Ninh Thuận đề xuất đưa vào trong quy hoạch thép mới. Đồng thời đề nghị xin chủ trương đầu tư để thực hiện dự án với những cam kết và đề xuất đảm bảo yêu cầu về môi trường, thông qua công nghệ và những nội dung của đầu tư.

Để đảm bảo cho việc đầu tư dự án này có hiệu quả, trên cơ sở bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các bộ, ngành phải phối hợp, làm rõ với chủ đầu tư, với địa phương về tất cả các chi tiết, nội dung liên quan đến các báo cáo tiền khả thi cũng như báo cáo khả thi của dự án. Tư lệnh ngành công thương khẳng định, các công tác liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật với sự tham gia của các bộ, ngành. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các dự án thép khác trong quy hoạch về thép sẽ phải được đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, dựa trên những nguyên tắc cao nhất trong vấn đề về bảo vệ môi trường và từ những bài học rút ra từ dự án thép của Formosa.

Chuyên đề