Quan tâm hiệu quả kinh tế đối với Dự án mở rộng đường vành đai 3

Cần quan tâm hiệu quả kinh tế đối với Dự án mở rộng đường vành đai 3 là ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu HĐND thành phố.
Ảnh minh họa.  Internet
Ảnh minh họa. Internet

Cần quan tâm hiệu quả kinh tế đối với Dự án mở rộng đường vành đai 3 là ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu HĐND thành phố (Tổ đại biểu số 2) tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ tư HĐND thành phố khóa XV, tổ chức sáng 20/6.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri quận Hoàn Kiếm đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng của Thủ đô; trong đó, có kế hoạch di dời, thay thế hơn 1.300 cây xà cừ trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, phục vụ Dự án mở rộng đường vành đai 3, đoạn từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long.

Cử tri Nguyễn Văn Hòa (phường Hàng Bồ) cho biết, cử tri rất thông cảm, chia sẻ với thành phố những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi thực hiện dự án. Song, thành phố cần thận trọng, rà soát để có phương án tối ưu nhất, xem xét cây nào giữ nguyên, cây nào di dời và cây nào phải chặt hạ.

Đồng thời, lãnh đạo thành phố phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để cấp dưới lợi dụng làm bừa, làm ẩu. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ tài chính, ngân sách đầu vào, đầu ra, không để lãng phí.

Nhất trí với ý kiến cử tri, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, chương trình Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ Thành phố xác định 3 khâu đột phá; trong đó, có xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Thành phố cũng xác định có 52 dự án trọng điểm; trong đó có 39 dự án trọng điểm về giao thông. Trong 39 dự án này, thành phố tập trung thực hiện các dự án như: hoàn thiện vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, vành đai 2.5, vành đai 3.5, vành đai 4.

Qua khảo sát thực tế, tại tuyến đường này có trên 1.300 cây xanh; trong đó, có những cây xà cừ cổ thụ đường kính từ 80 - 100 cm được trồng sau khi làm cầu Thăng Long. Những cây xà cừ còn lại có đường kính khoảng 35 - 40 cm, được trồng từ những năm 1991 - 1994.

Người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội hoàn toàn nhất trí với các ý kiến của cử tri; trong đó có vấn đề cây xà cừ nào phải đánh chuyển di dời hoặc chặt hạ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Chung, kế hoạch đánh chuyển, di dời hoặc chặt hạ phải đảm bảo nhiều yếu tố; trong đó yếu tố quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, những cây xà cừ có đường kính lớn nếu đánh chuyển về vườn ươm sẽ làm nảy sinh vấn đề "sau đó sẽ trồng ở đâu?". Bởi những cây đó có bộ rễ đường kính trên 3m, do đó phải đào hố rộng khoảng 3,5m sâu 1,5m, chưa kể phải dùng những cọc cao 2,5m chống trong suốt 3 - 4 năm. Trên địa bàn thành phố, không có tuyến phố nào có thể trồng lại cây xà cừ có đường kính lớn như vậy.

“Chúng ta phải bỏ mất mấy chục triệu đồng để đánh chuyển di dời, chăm sóc một cây, nhưng sau đó chưa biết tái sử dụng ở đâu. Với những cây xà cừ lớn, thành phố cũng có kế hoạch di chuyển trồng ở vòng xuyến trên đường 5 kéo dài và đường Võ Nguyên Giáp. Nhưng cũng chỉ giải quyết được tỷ lệ nhất định vì không công viên, vòng xuyến nào chỉ trồng một loại cây xà cừ”, ông Chung khẳng định.

“Nếu Dự án mở rộng vành đai 3 chậm tiến độ sẽ kéo theo Dự án đường trên cao của Bộ Giao thông Vận tải (vay vốn ODA của Nhật Bản) chậm theo. Tháng 7, Bộ Giao thông Vận tải không khởi công được dự án thì nguồn vốn ODA sẽ bị cắt (từ 1/8). Điều đó sẽ đẩy giá thành làm đường lên rất cao”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung lo lắng.

Chuyên đề