Quản lý chặt đất dự phòng Sân bay Long Thành

(BĐT) - Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Chính phủ trình đã được Quốc hội thảo luận vào cuối tuần trước. 
Dự kiến sẽ thu hồi tổng diện tích đất khoảng 5.585,14 ha để xây dựng Sân bay Long Thành. Ảnh: Bình Nguyên
Dự kiến sẽ thu hồi tổng diện tích đất khoảng 5.585,14 ha để xây dựng Sân bay Long Thành. Ảnh: Bình Nguyên

Ngoài băn khoăn nguồn vốn quá lớn cho giải phóng mặt bằng 1 lần, các đại biểu Quốc hội còn trăn trở nếu không quản lý tốt thì 4.000 ha đất chưa đầu tư xây dựng được đưa vào khai thác, sử dụng ngắn hạn sẽ nảy sinh nhiều mầm mống của sự phức tạp, tái lấn chiếm, cho thuê xây dựng trái phép. 

Giám sát chặt chẽ đất dự phòng

Theo Tờ trình Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, Chính phủ cho biết, dự kiến sẽ thu hồi tổng diện tích đất khoảng 5.585,14 ha. Trong đó, diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng Cảng KHQT Long Thành theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 là 5.000 ha, gồm diện tích đất dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha; diện tích đất dành cho mục đích quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ công nghiệp hàng không và các công trình thương mại khác là 1.200 ha, thuộc địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Cùng với đó là khoảng 565,14 ha đất thu hồi để xây dựng các khu tái định cư; 20 ha đất thu hồi để xây dựng khu nghĩa trang.

Trên thực tế, Dự án Cảng HKQT Long Thành được chia làm 3 giai đoạn thực hiện trong thời gian rất dài (riêng giai đoạn 1 đến năm 2025 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 1.000 ha). Do thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng 1 lần nên 4.000 ha còn lại được giao cho Chính phủ có kế hoạch quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả, tránh tình trạng để đất hoang hóa, tái lấn chiếm.

Thảo luận ở tổ về Dự án, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần cụ thể hóa hơn nữa nội dung sử dụng diện tích đất chưa đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của Dự án. “Khi tiến hành thu hồi đất, chúng ta chưa biết đó là đất gì, có thể sử dụng cho việc nào, phục vụ cho dự án ra sao. Hơn nữa, khi tiến hành khai thác, sử dụng để tạo nguồn thu thì ai là người hưởng, nếu giao cho Nhà nước hay tư nhân khai thác thì giá cả bao nhiêu?” – đại biểu Nghĩa nêu vấn đề cần làm rõ.

Sở dĩ phải đặt câu chuyện cụ thể như vậy, theo đại biểu Nghĩa, là do vừa qua có hiện tượng cho thuê đất quốc phòng để xây dựng sân golf, trong đó lại có xây biệt thự, các dịch vụ giải trí với thời gian thuê đất tới 50 năm. Do đó, với diện tích 1.050 ha đất quốc phòng ở Dự án Cảng HKQT Long Thành cũng phải được đặt vấn đề về tính cấp thiết của diện tích đất này, không để tình trạng chuyển mục đích đất quốc phòng thành kinh doanh thuần túy và nguồn lợi đó không biết thuộc về ai.

Đồng thuận với quan điểm này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) ủng hộ việc có đất dự phòng cho Dự án Cảng HKQT Long Thành nhưng phải giám sát chặt chẽ, không để sử dụng vào mục đích khác. Ông Ngân bày tỏ băn khoăn về 1.050 ha đất quốc phòng có nên đưa vào khai thác, sử dụng hay không? Việc thu tiền khai thác từ diện tích đất chưa xây dựng các hạng mục công trình sẽ được hạch toán như thế nào?

Có chung những băn khoăn nêu trên, nhiều đại biểu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần có những luận chứng kinh tế và đánh giá tác động khả thi gắn liền với xây dựng cơ chế giám sát cụ thể để đảm bảo số lượng đất thu hồi đúng mục đích, tránh tái lấn chiếm. 

Lo ngại vấn đề sinh kế

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm, cần bàn tính nhiều tới các vấn đề chi tiết trong Báo cáo lần này. Cụ thể, phương án thu hồi đất tính tiền trả cho người dân bao nhiêu để người dân đồng thuận không quan trọng bằng phương án tái định cư để người dân sau khi di dời có được cơ hội tạo lập cuộc sống, nghề nghiệp. Trong dự án này thì khả năng ổn định cuộc sống của người dân còn chưa rõ ràng, cũng như phương án chi tiết về các đối tượng bồi thường để có chính sách cụ thể cho từng đối tượng cũng chưa được chỉ ra.

“Không nên có quá nhiều mức giá đền bù, mà phải tùy thuộc vào đối tượng và chính sách đền bù. Đơn cử, đất ở thì giá đền bù phải khác so với đất sản xuất, kinh doanh, phi nông nghiệp, nông nghiệp”, đại biểu Cường nêu ý kiến.

Một đại biểu khác bày tỏ lo ngại với phương án phục hồi sản xuất và thu nhập cho người dân tái định cư. Trong khi những đối tượng bị thu hồi đất chủ yếu là lao động nông nghiệp và diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là rất lớn, khi tiến hành bố trí tái định cư, không có đất nông nghiệp thì việc chuyển đổi ngành nghề cho người dân là vấn đề Quốc hội cần quan tâm. Nếu không giải quyết căn cơ có thể sẽ gây lãng phí kép khi tiến hành thu hồi đất, tái định cư cho người dân, sau đó ngân sách lại bỏ ra chi phí lớn để đào tạo nghề mà chưa biết có hiệu quả hay không.

Chuyên đề