Quan hệ Việt Nam - Pháp: Biến tiềm năng thành hiện thực

(BĐT) - Sau 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Việt Nam và Pháp đang đứng trước cơ hội phát triển quan hệ lên một tầm cao mới, tương xứng hơn với vị thế, tiềm năng của hai nước. 
Xuất khẩu các mặt hàng dệt may sang thị trường Pháp rất thuận lợi. Ảnh: Lê Tiên
Xuất khẩu các mặt hàng dệt may sang thị trường Pháp rất thuận lợi. Ảnh: Lê Tiên

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 25-27/3 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước được kỳ vọng sớm biến cơ hội này thành hiện thực.

Hợp tác đầu tư ngày càng sâu sắc

Nói về quan hệ đầu tư giữa hai nước không thể không nhắc tới câu chuyện từ hơn 50 năm trước khi đại gia ngành dược Sanofi - Synthelabo bắt đầu vào Việt Nam. Sự kiện này được xem như mốc đánh dấu sự xuất hiện của doanh nghiệp (DN) Pháp tại một quốc gia Đông Dương còn nhiều khó khăn. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa và kêu gọi đầu tư nước ngoài, hàng loạt DN Pháp đã tới Hà Nội và TP.HCM để tìm hiểu cơ hội đầu tư.

BNP Paribas là ví dụ điển hình khi trở thành một trong những ngân hàng quốc tế đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1989 và hiện vẫn nắm một phần vốn tại Vietcombank. Tiếp đến là sự xuất hiện của các thương hiệu gạo cội như Total (1990), Schneider Electric (1996), Neovia (1997) hay những cái tên sau đó là Alstom Grid (2008), Michelin (2009), Renault (2009) hay Technip (2010)...

Đó là chưa kể, rất nhiều tên tuổi lớn của Pháp trong các lĩnh vực như viễn thông, điện lực, dịch vụ, hàng không… cũng đã vào Việt Nam từ những năm đầu mở cửa nền kinh tế như France Telecom hay Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF).

Minh chứng cụ thể là hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam và FCR Vietnam (chi nhánh của France Telecom tại Việt Nam), cấp phép năm 1997, đầu tư 615 triệu USD vào lĩnh vực dịch vụ viễn thông; Dự án Nhà máy Điện Phú Mỹ 2, cấp phép năm 2001, do EDF liên kết với Nhật Bản, vốn đầu tư 480 triệu USD.

Tính đến thời điểm này, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Pháp có 514 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỷ USD, đứng thứ 16 trong 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2018, Pháp đã vượt nhiều quốc gia châu Âu khác như Anh, Bỉ, Thuỵ Điển…, đứng thứ 25 trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam với 2 dự án cấp mới, 1 dự án tăng vốn, 15 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị 3,99 triệu USD.

Theo xác nhận của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, hiện có hơn 300 DN nước này đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng DN Pháp quan tâm tới Việt Nam liên tục tăng lên trong thời gian gần đây cho thấy Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư tiềm năng đối với các DN Pháp.

Hiện các dự án đầu tư của DN Pháp tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố như Bà Rịa - Vũng Tàu (gần 10 dự án với tổng trị giá 1 tỷ USD), TP.HCM (hơn 100 dự án với tổng trị giá hơn 850 triệu USD) và Hà Nội (hơn 70 dự án với tổng trị giá hơn 330 triệu USD). 

Lạc quan trong quan hệ thương mại

Pháp không chỉ là bạn hàng lớn thứ năm của Việt Nam trong Liên minh châu Âu, mà còn là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam với 2,8 tỷ USD vốn đầu tư.
Điểm lạc quan lớn nhất trong quan hệ kinh tế Việt - Pháp hiện tại chính là hoạt động thương mại. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch thương mại Việt - Pháp năm 2017 đạt hơn 4,6 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, tăng 11,8% và nhập khẩu đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,1%.

Điểm tích cực là hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Pháp tăng mạnh hơn hàng hoá của Pháp xuất khẩu sang Việt Nam. Trong những năm gần đây, trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp luôn lớn hơn trị giá nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ thị trường này nên cán cân thương mại luôn ở trạng thái thặng dư nghiêng về phía Việt Nam. Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Pháp trong khu vực ASEAN.

Một trong những mặt hàng của Việt Nam có trị giá xuất khẩu lớn sang thị trường Pháp là dệt may. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, xuất khẩu các mặt hàng dệt may sang thị trường EU, đặc biệt là Pháp, rất thuận lợi. Mỗi năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU chiếm 18 - 19% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, trong đó Pháp chiếm tỷ trọng lớn. Theo ông Giang, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực trong năm 2018 sẽ tạo nên những cơ hội hợp tác mới cho DN hai nước, trong đó có dệt may.

Chuyên đề