Phát triển kinh tế tư nhân GMS vì sự phát triển chung của khu vực

(BĐT) - Sáng nay (30/3), Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS – hoạt động chính thức đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong (Mê Công) mở rộng lần thứ 6 (GMS 6), chính thức diễn ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trong phiên khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS. Ảnh: Cao Dung
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trong phiên khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS. Ảnh: Cao Dung

Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS - sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam, đã thu hút sự tham gia của hơn 2000 doanh nhân đến từ nhiều quốc gia,  nhằm mục tiêu tăng cường đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp và chính phủ với các nước, mở ra các kế hoạch phát triển khu vực kinh tế tư nhân các nước GMS.  

Hội nghị mở đầu Diễn đàn là phiên họp của Hội đồng kinh doanh GMS với chủ đề Triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới. Tại phiên họp, bộ trưởng của các nước trong khu vực đã tham gia đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, trao đổi về kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chia sẻ tầm nhìn phát triển cho GMS trong thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu khai mạc phiên họp của Hội đồng Kinh doanh GMS, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá qua mỗi kỳ Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp GMS đã ngày càng lớn mạnh và khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp lớn trong triển khai, hiện thực hóa các chính sách của Chương trình hợp tác GMS.

“Thông qua cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với chính phủ, chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá những cơ hội tăng trưởng và phát triển, tạo sức hấp dẫn lớn hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư, các đối tác phát triển về nền kinh tế của GMS”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cộng đồng GMS chính là việc tạo ra các giá trị mới để đóng góp cho tăng trưởng không chỉ của một quốc gia, mà còn cả các quốc gia trong khu vực. Doanh nghiệp GMS cần tiếp tục hợp tác, gắn kết với nhau, giữa các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ để tận dụng được các cơ hội hiện có, bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển, tạo ra nhóm các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, từng bước tham gia thị trường và các chuỗi giá trị toàn cầu.   

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ... Diễn đàn là cơ hội tốt để cùng trao đổi, định hướng chiến lược hợp tác trong thời gian tới cho khu vực doanh nghiệp tư nhân GMS.

Sau phiên họp của Hội đồng kinh doanh GMS, chiều nay các phiên họp chủ đề về phát triển cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp và công nghệ nông nghiệp, thương mại tiểu vùng GMS và toàn cầu sẽ đồng thời diễn ra. Chiều tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  cùng lãnh đạo các nước thành viên sẽ đồng chủ trì phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS.

Năm 2018 đánh dấu 25 năm hình thành và phát triển của Chương trình hợp tác GMS. Các sáng kiến và hoạt động trong chương trình hợp tác GMS tập trung vào 10 lĩnh vực chính bao gồm: Giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, du lịch, thông tin viễn thông, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển đô thị. Việt Nam đã tham gia hợp tác ngay từ giai đoạn đầu, tích cực đóng góp vào hầu hết tất cả các sáng kiến hợp tác của GMS.  

Chuyên đề