Phân lại vùng kinh tế để tạo không gian phát triển

(BĐT) - Các quy hoạch vùng được lập trước đây chỉ còn hiệu lực đến năm 2020. Để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch sao cho quy hoạch vùng phù hợp với bối cảnh phát triển mới, tạo ra không gian mới cho tăng trưởng, cải cách kinh tế, hội nhập quốc tế, thì phải tiến hành phân vùng để lập các quy hoạch vùng cho giai đoạn 2021 - 2030.
Phương án phân vùng hiện tại đặt nặng tính đồng nhất về điều kiện tự nhiên, chưa tính đầy đủ đến tính liên kết và thị trường. Ảnh: Tường Lâm
Phương án phân vùng hiện tại đặt nặng tính đồng nhất về điều kiện tự nhiên, chưa tính đầy đủ đến tính liên kết và thị trường. Ảnh: Tường Lâm

Cần phân lại vùng kinh tế - xã hội

Trong các giai đoạn phát triển trước đây đã có nhiều phương án phân vùng kinh tế - xã hội (KT-XH) phục vụ quản lý nhà nước về vùng và quản lý quy hoạch phát triển trên các vùng. Trong Chiến lược phát triển KT-XH 2001 - 2010, cả nước phân thành 6 vùng KT-XH là vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh; vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố; vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh; vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố; vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố. Các vùng KT-XH và vùng kinh tế trọng điểm đã và đang là cơ sở cho việc lập quy hoạch phát triển KT-XH thời kỳ đến năm 2020 và xây dựng các chính sách phát triển vùng.

Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá, các phương án phân vùng đã đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển KT-XH trong mỗi kỳ phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong phân vùng hiện tại, yếu tố thị trường chưa được tính đến đầy đủ, đặt nặng tính đồng nhất về điều kiện tự nhiên.

Còn theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, liên kết nội vùng ở một số vùng còn yếu, ví dụ trong vùng Trung du miền núi phía Bắc, các địa phương vùng Tây Bắc ít có quan hệ kinh tế với các địa phương vùng Đông Bắc. Các địa phương vùng Tây Nguyên có mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ hoặc vùng Đông Nam Bộ hơn quan hệ nội vùng. Khoảng cách một số vùng quá dài, nhất là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh, Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 có nhiều nội dung mang tính cải cách, đổi mới quan trọng, hướng đến toàn diện thể chế kinh tế thị trường, tạo điều kiện đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Luật Quy hoạch cũng đã đưa ra các quy định về hệ thống các loại quy hoạch, trong đó có quy hoạch vùng với quan niệm mới về vùng. Để có cơ sở triển khai các quy hoạch, xác định vùng kinh tế là rất quan trọng. Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu phân vùng phục vụ quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 cho phù hợp với bối cảnh mới. Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, mục tiêu phân vùng phải làm sao kết nối chặt chẽ hơn giữa các địa phương, tạo ra không gian phát triển mới hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và liên kết quốc tế, giải quyết những vấn đề về môi trường và đảm bảo phát triển bền vững. 

Phân vùng dựa trên nhiều cơ sở

Theo ông Nguyễn Văn Vịnh, mỗi phương án phân vùng phục vụ cho một mục tiêu phát triển nhất định trong một khoảng thời gian nhất định, nên khó có thể có một sự phân vùng khách quan tuyệt đối và vĩnh viễn. Các phương án phân vùng đều có những ưu điểm và hạn chế, cần lựa chọn phương án phù hợp nhất với bối cảnh phát triển của đất nước trong từng giai đoạn.

Phương án phân vùng mới để lập quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2030 được đưa ra trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách khoa học các cơ sở phân vùng theo định nghĩa vùng của Luật Quy hoạch, có so sánh với một số phương án phân vùng trước đây, tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước có trình độ phát triển tương đồng, kế thừa các kết quả nghiên cứu hiện có.

Cơ sở phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 có tính đến các tiêu chí cơ bản là gắn với một số lưu vực sông; có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, có điều kiện tương đồng về kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, dân cư; khả năng về liên kết giữa các địa phương và các địa phương với các trung tâm (hạt nhân - đầu tàu kinh tế) và sự phát triển hạ tầng kết nối các địa phương trong vùng; phù hợp với điều kiện thị trường, hội nhập quốc tế; quy mô vùng phù hợp… Ông Nguyễn Văn Vịnh nhấn mạnh, một trong những đột phá mới là phương án phân vùng tính đến các yếu tố thị trường, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên.

GS. Đặng Hùng Võ góp ý thêm, phân vùng cần lưu ý đến cả sự chia cắt tự nhiên do phong tục tập quán, tính cách con người, văn hóa…

Nhiều ý kiến khác đã được đưa ra để xây dựng cơ sở, tiêu chí phân vùng hợp lý, khoa học, đạt được mục tiêu quy hoạch vùng đề ra.

Chuyên đề