Phải đổi mới mạnh mẽ trong tư duy kiến tạo phát triển ĐBSCL

Muốn ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách tiếp cận theo hướng mở trên nền tảng tri thức khoa học công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Sáng 26/9 tại TP. Cần Thơ - trái tim của vùng ĐBSCL, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khai mạc Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Chủ trì phiên khai mạc Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Quốc hội, địa phương, đoàn thể, các đại sứ, tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và các nhà khoa học trong và ngoài nước,...

Cản trở từ khí hậu biến đổi và mô hình phát triển thiếu liên kết

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển ĐBSCL, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, thích ứng với BĐKH.

Với sự nỗ lực của các địa phương, sự giúp đỡ của các đối tác phát triển, ĐBSCL đã có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nêu rõ, ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do BĐKH, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý Nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp.

“Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe doạ quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ thực trạng những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng.

Ảnh: VGP

Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm, chỉ đạo việc định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH. Hội nghị sẽ xác định một tầm nhìn về một ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng, gắn kết chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và tiểu vùng sông Mekong, trên cơ sở chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế-xã hội nói chung và của từng lĩnh vực nói riêng, vừa bảo đảm kế thừa những thành tựu phát triển trước đây, truyền thống văn hoá quý báu, kết hợp áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại của thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.

Định hình mô hình phát triển

Phó Thủ tướng đề nghị hội nghị phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do BĐKH, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn; dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các nhà quản lý, nhà khoa học thảo luận và đề xuất các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội chuyển hóa các thách thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững ĐBSCL; trong đó, tập trung vào các cơ chế về đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Các đại biểu, chuyên gia xác định các dự án, các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên, gồm: Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và các khu vực lân cận, nhất là TPHCM.

Ảnh: VGP

“Tôi cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khi thảo luận và trao đổi trong hội nghị cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách tiếp cận theo hướng mở, hiện đại, lấy tri thức khoa học công nghệ làm nền tảng, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế là sức mạnh trong các giải pháp ứng phó với BĐKH. Các giải pháp đưa ra cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối liên vùng và nội vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp ứng phó với BĐKH tại vùng ĐBSCL đã được đề ra trong thời gian vừa qua”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thích đáng cả về kỹ thuật và tài chính cho vùng ĐBSCL; phát huy hơn nữa vai trò của Ủy hội sông Mekong quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước giữa các nước trong lưu vực sông Mekong vì sự thịnh vượng chung của khu vực.

Hội nghị này sẽ diễn tra trong 2 ngày 26 và 27/9. Trong ngày thứ nhất, các đại biểu thảo luận về định hình chiến lược phát triển bền vững, nhận diện thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho vùng ĐBSCL; quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và cơ chế điều phối vùng; phát triển nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, chủ động phòng chống thiên tai, sạt lở; nhu cầu, cách thức huy động và điều phối nguồn lực.

Kết quả thảo luận, trao đổi ngày thứ nhất sẽ được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, TN&MT, NN&PTNT báo cáo tại phiên toàn thể ngày thứ 2 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, là cơ sở để tiếp tục trao đổi đi đến thống nhất các định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, khả thi, nguồn lực và cách thức tổ chức thực hiện.

Chuyên đề