Phải công khai thủ tục cắt giảm để người dân giám sát

(BĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019 nhằm đẩy mạnh thực thi cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ảnh: Internet
Cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ảnh: Internet

Thủ tướng nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các cấp, các ngành, qua đó tạo nền tảng thu hút đầu tư phát triển để tăng trưởng kinh tế, đây là dư địa tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các đơn vị cắt giảm phải công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của các đơn vị để người dân và doanh nghiệp giám sát mức độ thực hiện.

Tiếp đó, sẽ kiểm tra việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để giám sát những vấn đề rất cụ thể như thực hiện trạm thu phí không dừng, giải pháp với tình trạng nợ đọng văn bản. 

Liên quan đến việc giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 31/5, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 30/5, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 13 bộ về tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, các đề án, nhiệm vụ nợ đọng.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo và yêu cầu các bộ, cơ quan cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được của năm 2017 và 2018, tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành các văn bản quy định chi tiết.

Ngày 22/3, Tổ công tác đã có buổi làm việc với các bộ để rà soát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và đã có báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Tại phiên họp tháng 4, Tổ công tác tiếp tục báo cáo Chính phủ về tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết và nợ đọng các đề án. 

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tình hình nợ đọng văn bản chi tiết và đề án có cải thiện. Số văn bản chi tiết nợ đọng giảm từ 16 xuống còn 6 văn bản, thuộc trách nhiệm của các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính. 17 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ 1/7/2019 giảm xuống còn 15 văn bản chưa ban hành, thuộc trách nhiệm của các Bộ: Công an, Công Thương, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ. 

Tuy nhiên, so với năm 2017 và 2018, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết tăng lên, để xảy ra tình trạng văn bản nợ đọng quy định chi tiết trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Số đề án nợ đọng trong 4 tháng là 51/103 đề án. Đến nay, còn nợ đọng 38/123 đề án (chiếm 30,8%). Ngoài ra, qua rà soát của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan còn nợ đọng 37 nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ rất quan trọng liên quan đến hoàn thiện thể chế, tăng trưởng và an sinh xã hội.

Chuyên đề