OECD đánh giá đa chiều về Việt Nam

(BĐT) - Sáng ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo “Báo cáo Đánh giá đa chiều (MDR) - Các khuyến nghị chính sách phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030”. Báo cáo MDR được nghiên cứu bởi OECD.
Báo cáo của OECD đề xuất bốn khuyến nghị chiến lược hướng tới xây dựng một nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững
Báo cáo của OECD đề xuất bốn khuyến nghị chiến lược hướng tới xây dựng một nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Báo cáo Đánh giá đa chiều (MDR) của Việt Nam là một sáng kiến của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đã được triển khai thực hiện cho nhiều quốc gia đang phát triển là thành viên của Trung tâm Phát triển của OECD, trong đó có Thái Lan và Mi-an-ma là hai quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Với phương pháp tiếp cận xây dựng dựa trên các đánh giá đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực, Báo cáo này được kỳ vọng sẽ là một nghiên cứu đầu vào hữu ích cho quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Việt Nam.

Được biết, Báo cáo MDR được khởi động vào cuối tháng 2/2019 và đã trải qua 2 giai đoạn quan trọng: đánh giá bước đầu và phân tích sâu, đề xuất chính sách. Hiện tại, đang trong giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng, là xây dựng kế hoạch hành động.

Thông qua các đánh giá ban đầu, Báo cáo chỉ ra, để có thể tận dụng tối đa các cơ hội phát triển trong giai đoạn tới, Việt Nam cần giải quyết tốt 3 hạn chế xuyên suốt đối với phát triển bền vững.

Thứ nhất, xây dựng một nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững hơn. Điều này bao gồm tăng cường các điều kiện và khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp, tạo dựng mối liên kết tốt hơn giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; nâng cấp hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học nhằm xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn; nỗ lực để bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thứ hai, nâng cao khả năng cung cấp tài chính cho các hoạt động phát triển. Do sự chuyển đổi mô hình kinh tế bền vững và hiệu quả hơn đòi hỏi nhu cầu rất lớn về đầu tư và chi tiêu ngân sách, trong khi khả năng huy động còn rất hạn chế; do vậy, cần đổi mới cơ cấu nguồn thu, hoạt động thu thuế và thanh tra. Điều này cũng đòi hỏi các giải pháp bền vững, đảm bảo người dân sẵn sàng đóng góp tương xứng với các dịch vụ công và sự tham gia của họ.

Thứ ba là nâng cao năng lực quản trị và điều tiết. Vấn đề quản lý, phối hợp và điều tiết nổi lên là hạn chế chính trong tất cả các lĩnh vực được đánh giá của báo cáo; có thể kể tới như thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tình trạng tham ô, tham nhũng; năng lực quản lý, thực thi và phối hợp giữa các cấp chính quyền; trách nhiệm giải trình, mức độ đáng tin cậy của các cơ quan thực thi; và khả năng tạo cơ hội cho sự tham gia của người dân.

Từ các phân tích sâu về các nội dung liên quan tới các hạn chế trên, Báo cáo đề xuất bốn khuyến nghị chiến lược hướng tới xây dựng một nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững.

Một là, tạo các cơ hội mới trong những lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ, bằng cách xóa bỏ rào cản, khuyến khích khu vực nông nghiệp tự chuyển đổi; tạo lập một môi trường cung cấp các cơ hội kinh tế bình đẳng cho mọi người dân; thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ giúp gia tăng năng suất cho doanh nghiệp; tập trung thu hút các nguồn vốn FDI chất lượng cao.

Hai là, tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thông qua trao quyền cho đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cấp nhà nước; xây dựng chính sách sở hữu nhà nước; xác định rõ các mục tiêu của DNNN; cải thiện công tác báo cáo; đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động trên một sân chơi bình đẳng; chuyên nghiệp hóa hoạt động của ban lãnh đạo và bảo vệ cổ đông.

Ba là, tăng cường hệ thống giáo dục cao đẳng, đại học, thông qua tăng cường cộng tác trong hệ thống giáo dục nhằm phát triển các kỹ năng và đổi mới; hướng tới dạy học tốt hơn bằng hỗ trợ giáo viên; xây dựng hệ thống thông tin hướng nghiệp cho sinh viên; và thúc đẩy đổi mới thông qua các hoạt động trao đổi tri thức.

Bốn là, đảm bảo phát triển bền vững thông qua quản lý môi trường tốt hơn và chủ động hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp, bằng cách tăng cường khung thể chế và pháp lý nhằm thực thi có hiệu quả hơn; tăng cường quản lý trong các lĩnh vực ô nhiễm nước, ô nhiễm môi trường và kiểm soát rủi ro thảm họa tự nhiên; và lập kế hoạch chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp và cung cấp tài trợ cho quá trình chuyển đổi này.

Báo cáo của OECD nhấn mạnh, để hiện thực hóa các khuyến nghị này cần thiết phải tăng cường năng lực thực thi của các cơ quan nhà nước. Điều này có thể thực hiện thông qua việc gắn hệ thống quản trị với hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; tăng cường hiệu quả thực thi thông qua cải thiện quá trình lập pháp và tư pháp độc lập; và cuối cùng là tăng cường chất lượng hành chính công.

Chuyên đề