Những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Theo dự kiến, 9 giờ sáng ngày 23/10, Quốc hội khóa XIV khai mạc kỳ họp thứ 4 tại Thủ đô Hà Nội. Phiên khai mạc được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp. Trước phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ những vấn đề mà mình quan tâm về kỳ họp này.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc Ảnh: TTXVN
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc Ảnh: TTXVN

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:

Những Luật khó phải xem xét thấu đáo

Trong kỳ họp lần này có một số dự án luật quan trọng như: Luật Quy hoạch; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật tố cáo (sửa đổi)… đều là những luật khó liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân, đòi hỏi phải xem xét thấu đáo.

Ví dụ, với dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) các đại biểu Quốc hội quan tâm về vấn đề kê khai tài sản, kê khai như thế nào, công khai tới đâu, công khai ở mức độ nào để đảm bảo cho tác phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, việc đảm bảo thông tin tài sản cũng là quyền của con người, quyền công dân được Hiến pháp bảo vệ.

Hay việc đối tượng nào kê khai, phạm vi rộng hay hẹp. Khi bổ nhiệm phải kê khai tài sản để các cơ quan chức năng xem xét. Nếu có đơn thư khiếu kiện, đòi hỏi giải trình thì buộc phải giải trình.

Luật quy hoạch là luật rất lớn, quy hoạch của Quốc gia, bao trùm tất cả các quy hoạch. Thậm chí quy hoạch liên quan tới cả bầu trời, vùng biển, mặt đất, tài nguyên, hải cảng…

Luật tố cáo (sửa đổi) đang bàn cũng rất quan trọng, trong đó có nội dung tố cáo có danh hay không có danh? Có ý kiến cho rằng thư nặc danh thì không giải quyết, nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc bảo vệ người tố cáo chưa tốt, sợ trả thù nên phải nặc danh. Hay các tố cáo qua nhắn tin, mạng internet… có giải quyết không?

Trên thực tế, các đơn thư tố cáo chính danh vẫn chưa được giải quyết hết. Tuy nhiên, đơn thư nặc danh cũng phải xem xét nếu có địa chỉ cụ thể.

Một vấn đề khác cũng đang được quan tâm là việc miễn nhiệm chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu. Việc này dựa theo nguyện vọng của ông Phan Văn Sáu có đơn xin thôi vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ, chuyển sang công tác khác phù hợp hơn. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ dựa trên danh sách của Chính phủ trình. Đây đều là những vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Phạm Văn Tuân, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Bình:

Cần giải pháp tạo chuyển biến rõ rệt về phát triển nông nghiệp

Mỗi kỳ họp Quốc hội đều thực hiện công tác xây dựng luật, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, thực hiện giám sát, chất vấn các thành viên của Chính phủ...

Đại biểu Phạm Văn Tuân.

Về công tác xây dựng luật, tại kỳ họp này Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 6 dự án luật; trong đó có Luật Quy hoạch. Dự thảo Luật đã được Quốc hội cho ý kiến ở 2 kỳ họp, tôi rất quan tâm và cũng có băn khoăn, trăn trở vì Luật này liên quan đến sửa đổi nhiều luật khác. Với Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng cũng đã xin ý kiến ở kỳ họp trước, nhiều ý kiến quan tâm đến xử lý nợ xấu nhiều hơn, thì ở kỳ này chắc sẽ sâu sát hơn.

Với các phiên thảo luận báo cáo về kinh tế - xã hội 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2018; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2017 và dự toán, phân bổ ngân sách trung ương 2018, tôi quan tâm nhất là các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã cố gắng đưa ra các giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp có giá trị. Đồng thời đã có nhiều giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp ở các địa phương. Tuy nhiên thời gian qua, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão lũ gây thiệt hại liên tục, nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, kể cả những doanh nghiệp mới đầu tư vào lĩnh vực này.

Vì vậy, trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, mong rằng Chính phủ, bộ, ngành chức năng cần có giải pháp căn bản để có thể tạo ra những chuyển biến rõ rệt về phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân, quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần người dân. Cần có giải pháp để kiểm soát, kiểm tra các loại vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, trong điều hành giá cả thị trường sao cho có tính ổn định và giá trị cao hơn.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng thực hiện giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”. Mong rằng, việc giám sát này sẽ chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, qua đó có giải pháp thiết thực, cũng là để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mà việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy phải gắn với việc đổi mới công tác tổ chức cán bộ.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau:

Quốc hội tiếp tục đổi mới để tăng cường giám sát của nhân dân

Kỳ họp Quốc hội lần này tiếp tục có sự đổi mới trong công tác tổ chức kỳ họp. Trong dự kiến chương trình kỳ họp có 26 ngày làm việc thì sẽ thảo luận và truyền hình trực tiếp đến 10 ngày (Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến xin ý kiến Quốc hội hôm khai mạc - PV), tức là hơn 1/3 liều lượng thời gian để cử tri có thể theo dõi. Sự tiếp tục đổi mới này để tăng cường giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội.

Với liều lượng thời gian như vậy, hy vọng rằng từng đại biểu Quốc hội sẽ đầu tư suy nghĩ để phát biểu trên diễn đàn phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của bà con, cử tri gắn với trách nhiệm của mình trong các nội dung của kỳ họp.

Đại biểu Trương Minh Hoàng.

Trong những phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách... thì việc thảo luận công khai về chi tiêu ngân sách để nhân dân, cử tri biết được việc sử dụng đồng vốn mà nhân dân đóng góp thế nào, hiệu quả ra sao; hay thảo luận báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân lần đầu tiên được bố trí thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội... cũng cho thấy sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp này.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến đưa vào chương trình xem xét, quyết định một số dự án quan trọng như: Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Với dự án sân bay quốc tế Long Thành, theo tôi không chỉ nhân dân, cử tri Đồng Nai quan tâm, mà nhân dân, cử tri cả nước đều quan tâm, vì đây là dự án lớn. Do đó, dự án này cũng cần được quan tâm thúc đẩy, từ việc sử dụng nguồn vốn thế nào cho hiệu quả; khi giải phóng mặt bằng tính giá trị, giá trị bồi hoàn để tái định cư cho người dân ra sao.

Với dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc tuyến Bắc – Nam phía Đông, khi đưa ra thảo luận sẽ nhận được sự quan tâm của các đại biểu cũng như cử tri. Tôi cũng mong rằng khi thảo luận Quốc hội cũng cần tính toán để có quyết định rõ ràng, từ đó có thể tạo động lực phát triển kinh tế khắp đất nước.

Bên cạnh đó, một dự án luật nữa tôi cũng rất quan tâm là dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (theo dự thảo Luật, có 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc - PV). Tôi nghĩ cần có luật dành riêng cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế này. Mong rằng cơ quan soạn thảo cố gắng đầu tư, đưa ra đề xuất, phương án để đại biểu thảo luận, tiếp thu giải trình để đến kỳ họp sau khi tiến hành biểu quyết sẽ có hiệu quả hơn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh):

Sẽ chất vấn Bộ Y tế về vai trò quản lý sau vụ VN Pharma

Tại kỳ họp này tôi quan tâm đến những vấn đề sau. Thứ nhất, tình hình cung ứng thuốc cho người dân. Đặc biệt là với những sai phạm tại VN Pharma đã được xử lý như thế nào? Vụ việc này đã "lộ" ra rất nhiều lỗ hổng trong quản lý chất lượng thuốc cho người dân. Liệu có những cán bộ "gác cổng quản lý" sai phạm không? Tôi sẽ chất vấn Bộ Y tế về vai trò quản lý của Bộ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Thuốc giả là vấn đề rất đáng lo ngại. Lẽ ra Bộ Y tế chỉ nên giải thích về mặt chuyên môn, sau đó kết quả ra sao là của cơ quan điều tra. Đằng này Bộ lại loanh quanh biện minh cho sai phạm của VN Pharma. Thái độ như vậy tạo ra tiền lệ rất xấu, khiến cho người dân cảm thấy nghi ngờ về cách xử lý của Bộ Y tế.

Thứ hai, tôi tiếp tục quan tâm về cách quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Tôi băn khoăn việc điều hành, định hướng, chủ trương của bảo hiểm y tế hiện nay là như thế nào, có thực sự hướng đến người dân không? Vì bản chất của bảo hiểm y tế là cơ chế nhiều người cùng đóng tiền lo cho những người nghèo, chứ không phải cứ bo bo đi giữ cho khỏi vỡ quỹ. Vỡ hay không vỡ là do cách điều hành quỹ. Kỳ họp trước tôi đã nói nhiều vấn đề này nhưng đến nay bảo hiểm y tế vẫn nóng, nên tôi sẽ tiếp tục chất vấn.

Chuyên đề