Những nhịp cầu mùa xuân

(BĐT) - Trong cái bâng khuâng của một ngày cuối chạp, khi mà bước chân của thời gian giống như những lời giục giã, hối hả, xốn xang hơn bao giờ hết; trong một chuyến trở về từ Sân bay Nội Bài, người bạn phương xa cứ ồ à mãi về tất cả những gì mà anh vừa thấy trên con đường vun vút. 
Cầu Nhật Tân có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ảnh: Lê Tiên
Cầu Nhật Tân có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ảnh: Lê Tiên

Tôi trong vai người kể chuyện, cứ phải lội ngược dòng trở lại hôm qua để sự hình dung của bạn không bị ngơ ngác. Ngờ đâu chính nhờ vậy mà lại có được một rưng rưng từ ký ức mà hối hả mỗi ngày đã làm cho mờ mịt dửng dưng…

Ấy là câu chuyện cách đây chừng độ vài năm, vào dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, cầu Nhật Tân được khánh thành, nối con đường từ trung tâm Hà Nội, qua Đại lộ Võ Nguyên Giáp, tới Nhà ga T2 của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trở thành một sự kiện lớn trong năm của đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô khi ấy.

Trong khi các nhà thiết kế và những người thi công thì tự hào công bố rằng đây là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam, cũng là một trong số 3 cây cầu có 5 nhịp dây văng liên tục trên thế giới; còn các nhà quy hoạch và chuyên gia kinh tế thì đánh giá cầu Nhật Tân, cùng với cụm công trình giao thông liên hoàn này, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, khi mà từ nay thời gian đi từ trung tâm Hà Nội đến Sân bay Nội Bài giảm chỉ còn gần một nửa so với trước kia; và người Hà Nội thì náo nức trầm trồ trước vẻ đẹp đẽ, hoành tráng của cây cầu vươn mình ngạo nghễ giữa trời mây sông nước, như biểu tượng của một sức vóc đang lớn dậy từng ngày…; thì lại cũng có người trầm ngâm đứng trên cây cầu ấy nhìn về quá khứ với những hồi ức xa xăm, lòng văng vẳng một tứ thơ: “Qua sông thì phải lụy… cầu/Yêu nhau cũng phải lụy nhau em à!…”.

Chẳng biết từ khi nào mà cái câu thành ngữ “Qua sông thì phải lụy đò” có từ thời manh nha của văn chương kia lại biến thành “Qua sông thì phải lụy cầu” nhỉ?... Có lẽ là từ khi người ta nhận thấy sức vươn của người, của cuộc sống được nhân lên rất nhanh, rất nhiều từ những cây cầu…

“… Nhĩ Hà, tây chuyển sang đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này…”

Câu thơ có tính “định vị” cho Hà Nội từ thời xa xưa ấy đã phần nào nói đến cái vị thế “cận giang” của một Thủ đô ngàn tuổi hôm nay. Và trong ký ức của không ít người, vẫn chưa xa một Hà Nội cách đây hơn thế kỷ, khi ấy mới chỉ vẻn vẹn là một thành phố khiêm cung nằm ven sông Hồng với vài vạn dân sinh sống. Khi ấy cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên, và cũng là duy nhất bắc ngang sông, người đi bộ, xe đạp, ô tô, và cả tàu hỏa nữa, cùng đi chung một đường. Vậy mà cũng vẫn đủ, vậy mà cũng vẫn vắng hoe…

Vắt mình qua ba thế kỷ, cho đến hôm nay, cầu Long Biên không chỉ còn là một phương tiện đi lại thong dong, thư thái cho những người ưa trầm mặc, cũng không chỉ còn là kỷ niệm ưu tư, da diết của những con dân Thủ đô dù gần hay xa như tôi và bạn; mà hơn thế nữa, trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, sông Hồng giờ đã nằm gọn trong lòng một Hà Nội lộng lẫy và phương trưởng. Và đã có cả thảy 7 cây cầu quy mô lớn bắc qua sông Hồng được xây dựng, sửa chữa, cải tạo tính đến hôm nay là Long Biên, Chương Dương, Thăng Long, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Nhật Tân; trong đó, Nhật Tân là cây cầu “trẻ” nhất, được coi là biểu tượng mới của Thủ đô, với 5 nhịp tháp cao vút vẽ lên nền trời, tượng trưng cho 5 cửa ô tưng bừng của Hà Nội thuở nào.

Đến lúc này, chỉ còn cầu Long Biên là cây cầu thực sự trở thành một chứng nhân bền bỉ và ngạo nghễ của lịch sử. Từ Long Biên đến Nhật Tân, những cây cầu lần lượt nối liền hai bờ sông Hồng, nối liền lịch sử hôm qua và hôm nay, đã tạo ra cho mảnh đất “ngàn năm văn hiến” này những dáng vẻ vừa bề thế vừa thâm trầm, vững chãi, lại vừa đặc sắc, bìu díu lòng người.

Ngày hôm nay, nhờ có công nghệ thông tin, dân trí được nâng cao, ai cũng hiểu giá trị của ngày xuân yên bình và hài lòng với những gì đang có…

Cũng nhờ sự phát triển của thông tin mà nhiều cử nhân giỏi nhưng không xin được việc làm ở các thành phố lớn đã vui vẻ học nghề và trở về quê nhà khởi nghiệp khá thành công. Có    chàng trai bỏ cả trại vải thiều đang thu hoạch tốt để gây dựng trại nuôi vịt trời thành vịt nhà bán chạy hơn cả tôm tươi, cả nước đổ xô đến mua giống. Lại cũng có những cô gái xinh đẹp bỏ nghề MC nhàn hạ, nổi danh đầu tư vào nghề nuôi tằm dệt lụa công nghệ cao làm hàng xuất khẩu…

Lớp trẻ đang đặc biệt quan tâm khởi nghiệp từ mua bán trên mạng - từ hàng tiêu dùng, thời trang, ẩm thực, dịch vụ… đến thiết kế nhà cửa, phần mềm và cả sáng tác chuyện tranh… đầy hấp dẫn. Tất cả đang là những cơ hội vô tận của tương lai. Câu ca xưa “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” giờ đây đang được trang bị thêm công nghệ cao và quy trình quản lý tân tiến. Một biểu hiện mang đầy kỳ vọng…

Trước thềm năm mới, nhìn lại các phát biểu cuối năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, có thể thấy người đứng đầu Chính phủ cũng đang đặt kỳ vọng vào sức vươn lên sáng tạo của các doanh nghiệp, kỳ vọng vào sắc diện lập nghiệp của lực lượng thanh niên, vào những công trình mới của các nhà khoa học, những tác phẩm lớn của văn nghệ sỹ và kỳ vọng sự thông minh của giới trí thức sẽ tác động mạnh mẽ vào thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Đây là một thông điệp rõ ràng về chủ trương phát triển một nền sản xuất lớn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những tín hiệu tốt lành của mùa xuân liêm chính, kiến tạo mới, khởi nghiệp mới đang nâng tầm vóc mọi vùng đất, mọi con người Việt Nam trong niềm tin yêu đầy nhân ái…

Lang thang giữa thành phố ăm ắp những kỷ niệm, trong một tâm thế vừa lạ vừa quen,  vừa thân thuộc lại vừa không khỏi ngỡ ngàng trước bao điều đã biết, bao điều chưa biết cùng bao điều vừa chợt đến...

 Và đoạn kết của tứ thơ trên cầu Nhật Tân ngày ấy:

“… Bây giờ đâu cũng là đây
Trăm năm phải lụy một ngày đó em”…

Cũng như câu chuyện của tình yêu, câu chuyện về những cây cầu, câu chuyện về sức vươn lên của người Việt, là những chuyện của trăm năm. Chuyện từ ngày xưa, kể lại hôm nay để nhìn tới mai sau...

Chuyên đề