Những chỉ dẫn của Bác Hồ về đánh giá đúng cán bộ

(BĐT) - Vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ sự cần thiết, phương châm và phương thức đánh giá cán bộ của Đảng. Những chỉ dẫn đó đã, đang và sẽ là kim chỉ nam cho công tác cán bộ nói chung, đánh giá cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới.
Những lời dạy quý báu, thấu đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được cụ thể hóa thành những quan điểm, chủ trương của Đảng ta trong công tác cán bộ. Ảnh tư liệu
Những lời dạy quý báu, thấu đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được cụ thể hóa thành những quan điểm, chủ trương của Đảng ta trong công tác cán bộ. Ảnh tư liệu

Đánh giá cán bộ là gì? Vì sao phải đánh giá đúng cán bộ? Đánh giá cán bộ là xem xét và kết luận về mức độ đạt được các mặt phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức, năng lực của người cán bộ và kết quả, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đánh giá đúng cán bộ là một yêu cầu hàng đầu trong đánh giá cán bộ. Bởi vì, đánh giá cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công tác cán bộ gắn liền với việc đề bạt, sử dụng, bố trí, quản lý cán bộ; liên quan và ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của người cán bộ, tác động đến tổ chức. Hơn nữa, đối với nước ta, đội ngũ cán bộ không thuần nhất, có nguồn gốc xuất thân khác nhau, phẩm chất và năng lực cũng không đồng đều; do đó, Người chỉ rõ: “Đảng ta gồm có hàng triệu người, hàng vạn cán bộ. Trong đó, sĩ, công, nông, thương, binh đều có. Từng lớp xã hội khác nhau, trình độ, văn hoá khác nhau; tính tình cá nhân cũng không giống hệt. Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là một vấn đề rất trọng yếu”.

Đánh giá cán bộ như thế nào? Không chỉ khẳng định tầm quan trọng của đánh giá đúng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ dẫn cho chúng ta nội dung, phương thức đánh giá cán bộ một cách rõ ràng, tinh tế, đầy nhân văn. Đó là:

“Phải hiểu cán bộ” là phương châm cơ bản và là yếu tố quyết định trong việc đánh giá đúng cán bộ. Không hiểu cán bộ thì không thể đánh giá đúng cán bộ. Hiểu cán bộ không chỉ là nắm được tính cách, trình độ năng lực, phẩm chất, sở trường, sở đoản của cán bộ qua công tác, thông qua quan hệ của cán bộ với đường lối, với đồng chí, với nhân dân, mà còn phải nắm được tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của họ, hiểu về hoàn cảnh gia đình, quá trình xuất thân, phát triển của cán bộ qua các giai đoạn, các thời kỳ. “Hiểu biết cán bộ - Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”. Vì vậy, Người yêu cầu: “Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”.

“Đánh giá cán bộ phải trong trạng thái động”. Đánh giá cán bộ là một việc hệ trọng nên cần phải có tinh thần biện chứng và phương pháp khoa học. Về vấn đề này, Người giải thích, trong thế giới, cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng của người cũng biến hoá. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hoá.  Xem xét, đánh giá cán bộ phải xem xét họ cả một quá trình, nhất là phải bảo đảm tính toàn diện, tính lịch sử và có quan điểm phát triển, phải thực sự khách quan, công tâm, dân chủ: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ... Vì vậy, nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phê phán nghiêm khắc lối đánh giá cán bộ theo tình cảm cá nhân, vụ lợi “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, làm nản lòng, triệt tiêu động lực phấn đấu, rèn luyện ở người trung; ngược lại tạo môi trường cho kẻ xu nịnh lợi dụng hoành hành, làm mất đoàn kết nội bộ: “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”.

Người còn chỉ rõ, phải coi nhận xét, đánh giá cán bộ là nguyên tắc đầu tiên và bắt buộc trước khi cất nhắc cán bộ: “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay. Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”.

Những kinh nghiệm, những lời dạy quý báu, thấu đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được cụ thể hóa thành những quan điểm, chủ trương của Đảng ta, luôn có ý nghĩa to lớn và có giá trị sâu sắc. Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, quan điểm về đánh giá cán bộ gắn liền với các chủ trương, nghị quyết về công tác cán bộ của Đảng, nhờ đó đã mang lại những kết quả to lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và đánh giá cán bộ nói riêng.

Trong thời kỳ mới, trên cơ sở đánh giá từ thực trạng: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến” trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW), Đảng ta chủ trương: “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị”; đồng thời, đặt đổi mới công tác đánh giá cán bộ là khâu đột phá đầu tiên, giữ vị trí trọng yếu.

Sáng ngày 18/5, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020). Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của cả một quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

“Tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam ‘dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước ta ‘ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn’ như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Chuyên đề