Nhiều yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu

(BĐT) - Với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK) 7,8% so với 11 tháng năm 2018, dự kiến năm 2019 sẽ là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực này, Bộ Công Thương cũng cảnh báo, nhiều yếu tố có thể cản trở đà tăng trưởng XK của Việt Nam trong thời gian tới.
Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc dự báo còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm. Ảnh: Lê Tiên
Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc dự báo còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm. Ảnh: Lê Tiên

Yếu tố đầu tiên là nhiều tổ chức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong thời gian tới tiếp tục giảm tốc. Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) ngày 21/11 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, đồng thời cho biết không thấy có dấu hiệu kinh tế toàn cầu năm 2021 phục hồi mạnh do những rủi ro từ căng thẳng thương mại. Theo đó, OECD dự báo, kinh tế toàn cầu tăng trưởng khoảng 2,9% năm 2020, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 9/2019 của tổ chức này.

Trước đó, tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm xuống còn 3,0% trong năm 2019, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7 và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. “Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới như hiện nay, khi kinh tế thế giới giảm tốc sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng XK của Việt Nam”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Để thúc đẩy tăng trưởng XK, Bộ Công Thương đề ra một loạt các giải pháp. Đó là, Việt Nam cần tích cực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó thúc đẩy XK; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước; theo dõi, bám sát thị trường để có đối sách phù hợp…
Thứ hai, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm. Số liệu của Bộ Công Thương ghi nhận, 11 tháng năm 2019, XK của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, XK các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều trở ngại do nước này tăng cường kiểm tra, siểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương nhận định, việc XK sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam. 11 tháng năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. “Đáng lo nhất đối với XK của Việt Nam là vấn đề gian lận thương mại với việc hàng hóa của quốc gia khác, trong đó có hàng Trung Quốc, núp bóng dưới vỏ bọc xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế vào thị trường Mỹ”, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại thuộc Bộ Công Thương lo ngại.

Ngoài ra, chỉ số PMI (quản lý thu mua) - chỉ số đo lường sức khỏe của ngành chế biến chế tạo - trong những tháng gần đây không mấy khả quan. Trong tháng 10/2019, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống chỉ còn 50 điểm, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Ở nhóm hàng dệt may, theo quy luật, quý IV hàng năm, nhiều doanh nghiệp XK hàng dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau. Tuy nhiên, năm nay, đơn hàng dè dặt hơn, thậm chí giảm so với năm 2018. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ năm trước…

Bên cạnh các thách thức, Bộ Công Thương cũng nhận định, Việt Nam đang có 3 yếu tố thuận lợi hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng XK là: Cơ hội mở rộng thị trường XK nhờ các hiệp định thương mại tự do; vốn FDI cấp mới liên tục gia tăng; dịch chuyển các đơn hàng từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam.

Vì thế, để thúc đẩy tăng trưởng XK trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề ra một loạt các giải pháp. Đó là, Việt Nam cần tích cực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó thúc đẩy XK; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước; theo dõi, bám sát thị trường để có đối sách phù hợp…

Chuyên đề