Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế vùng miền Trung và Tây Nguyên

(BĐT) - Trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng bình quân của 14 tỉnh miền Trung đạt 8,5% và 5 tỉnh Tây Nguyên là 7,3%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. Đó là những con số ấn tượng được công bố tại Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2020 Vùng miền Trung và Tây Nguyên tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 12/8.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung và Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung và Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Đức Trung và đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT và 14 địa phương khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, kết nối giữa hai miền Nam - Bắc. Biển miền Trung là tài nguyên quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Miền Trung còn là “bệ đỡ, là cửa ngõ” ra biển của tỉnh vùng Tây Nguyên kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên

Còn vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược thuộc Khu vực Tam giác phát triển Campuhia - Lào - Việt Nam. Vùng Tây Nguyên có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện, điện mặt trời, nông lâm nghiệp (cây công nghiệp, cây ăn trái, chăn nuôi đại gia súc, rừng…), chế biến nông lâm sản, du lịch. Tây Nguyên có thể coi là “mái nhà của miền Trung”, có chức năng phòng hộ rất lớn, là hậu phương, là nguồn nước ngọt cho sự phát triển ổn định và bền vững của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm 2019 của Vùng sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,5%; các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, số lượng khách du lịch...tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ; Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các cấp ngành và địa phương quan tâm đến công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Các tỉnh trong vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính đạt được kết quả tích cực. Công tác an sinh và phúc lợi xã hội đạt kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, tình hình trật tự giao thông cơ bản đảm bảo.

Ngoài những mặt tích cực, động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ năm 2019 có dự án động lực quy mô lớn.

Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông-Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ.

Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.Theo số liệu của Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu,các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu là nhập siêu.

Ngoài ra, vùng KTTĐ miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế vùng. GRDP đến 2018 chỉ chiếm 6,93% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2016-2018 là 7,3%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước) thấp hơn bình quân vùng (7,62%). Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của vùng và cả nước.

Cuối cùng, thu ngân sách chưa bền vững, mặc dù tăng cao nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ từ khoảng 22-25%. Thứ năm, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. 

Chuyên đề