Nhiều thủ tục hải quan cần tiếp tục cải cách

(BĐT) - Mặc dù ghi nhận có nhiều điểm sáng, tích cực, nhưng Báo cáo Mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) đối với việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong xuất nhập khẩu năm 2018 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 8/1 vẫn cho thấy, DN còn quan ngại về chi phí phi chính thức khi thực hiện các TTHC này, cũng như những bất cập trong việc thực thi giữa các bộ, ngành liên quan và bản thân ngành hải quan.
Nhiều thủ tục hải quan phức tạp, mang tính “xin - cho” vẫn chưa được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia
Nhiều thủ tục hải quan phức tạp, mang tính “xin - cho” vẫn chưa được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia

Vẫn băn khoăn chi phí không chính thức

Báo cáo dựa trên khảo sát gần 3.000 DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK), đại lý hải quan, sản xuất và XNK, logistics và dịch vụ, bao gồm cả DN nhà nước, DN FDI, DN tư nhân và DN khác.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI, khi được hỏi về việc chi trả chi phí phi chính thức để thực hiện TTHC, tỷ lệ DN trả lời đã trả chi phí này giảm 10% so với năm 2015, còn 18%. Có tới 56% DN được hỏi cho biết không phải trả phí ngoài quy định, tăng so với năm 2015 (37%). Có 15% DN cho rằng bị phân biệt đối xử khi không trả chi phí phi chính thức, giảm so với năm 2015 (31%).

Mặc dù kết quả khảo sát năm 2018 khả quan hơn nhiều so với năm 2015, nhưng theo Nhóm nghiên cứu của VCCI, con số này chưa phản ánh hết thực trạng chi phí không chính thức, nhiều DN không dám đối diện với câu hỏi nhạy cảm này.

Trong số các DN bị phân biệt đối xử khi không chi trả chi phí ngoài quy định này, có tới 93% cho rằng họ bị kéo dài thời gian làm thủ tục, 69% cho rằng có thể bị gây khó khăn cho lần làm thủ tục sau...

Trong các nhóm ngành và lĩnh vực, nhóm DN logistics và dịch vụ có tỷ lệ phải chi trả chi phí phi chính thức lớn nhất (28%), DN XNK là từ 17 - 21%.

Liên quan đến thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành, chỉ có 28% thủ tục thuộc trách nhiệm của ngành hải quan, còn lại là ở các bộ chuyên ngành.

Theo các DN được khảo sát, việc chi trả chi phí phi chính thức chủ yếu tập trung ở thủ tục thông quan. Về việc chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các bộ, ngành, Bộ Công Thương dẫn đầu với 50,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 34%; Bộ Giao thông vận tải là 29,72%... Mặc dù Bộ Y tế có tỷ lệ thấp hơn (27,56%), nhưng lại có tới 13% DN cho rằng rất khó thực hiện thủ tục XNK hàng hóa liên quan đến Bộ Y tế, cao nhất trong các bộ, ngành.

Như vậy, theo ông Tuấn, để xảy ra tình trạng DN bị vòi vĩnh, tham nhũng vặt như trên không chỉ có trách nhiệm của ngành hải quan, mà còn có trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. 

DN đang phải đối diện với nhiều rủi ro

Ông Đậu Anh Tuấn cũng chỉ ra, việc hay thay đổi quy định, chính sách hoặc không đồng bộ trong cách hiểu và thực hiện trong hệ thống ngành hải quan, cũng như giữa các bộ, ngành đã và đang tạo thêm gánh nặng cho DN, thậm chí đứng trước nguy cơ bị phạt vì không thực hiện, dẫn đến hiệu quả kinh doanh giảm sút...

Đơn cử như thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm XNK, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, một số chi cục hải quan địa phương chưa thực thi đúng tinh thần của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Nhiều lô hàng thực phẩm nhập khẩu đủ điều kiện để áp dụng phương thức kiểm tra giảm nhưng cơ quan hải quan vẫn yêu cầu DN thực hiện kiểm tra theo phương thức kiểm tra thông thường cho tới khi có hướng dẫn từ Tổng cục Hải quan. Do đó, nhiều lô hàng nhập khẩu đã mất cơ hội chuyển sang thực hiện phương thức kiểm tra giảm sau khi thực hiện kiểm tra 3 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức thông thường. Mặt khác, một số cơ quan hải quan vẫn lúng túng khi xác định kiểm tra hồ sơ tối đa 5% lô hàng trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên...

Một vụ việc nổi cộm trong năm 2018 được ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN dệt may chia sẻ: Cục Hải quan TP. Hà Nội đã đưa ra yêu cầu hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Nội Bài phải dán nhãn QR code. Yêu cầu này đã bị Tổng cục Hải quan “tuýt còi” sau khi nhận được sự phản ứng của nhiều DN và hiệp hội DN.

Mặc dù ghi nhận thời gian qua nhiều thủ tục được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, nhưng theo đại diện Nhóm nghiên cứu của VCCI, những thủ tục này còn khá đơn giản, những thủ tục phức tạp hơn, mang tính “xin - cho” dường như đang được các bộ, ngành giữ lại để thực hiện bằng giấy tờ. Một số thủ tục mặc dù đã được cập nhật, nhưng DN vẫn bị yêu cầu vừa khai điện tử, vừa phải làm hồ sơ giấy tờ, vô hình trung làm tăng gấp đôi thời gian và chi phí so với trước.

Từ đó, Nhóm nghiên cứu của VCCI khuyến nghị, ngành hải quan cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục XNK, thường xuyên đối thoại với DN và xem DN là đối tác phục vụ, công khai minh bạch.

“Mặc dù những khuyến nghị này trùng với những bước đi mà Tổng cục Hải quan xác định cần thực hiện trong thời gian tới, và được nêu rõ trong Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019, nhưng quan trọng hơn là cần phải tăng tốc quá trình cải cách này”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Chuyên đề