Nhiều rào cản cải thiện môi trường kinh doanh

(BĐT) - Tại Hội thảo Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016 - 2019 qua xếp hạng Doing Business với chủ đề: “Kết quả và một số gợi ý chính sách” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, chi phí không chính thức vẫn là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bất cập chi phí không chính thức

Tại Hội thảo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, kết quả khảo sát cảm nhận của 10.000 doanh nghiệp (DN) tư nhân trên cả nước về chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam do VCCI vừa thực hiện cho thấy, 31% số DN này chi trả các khoản chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập DN, 39% phải “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn, 30% cho biết có tồn tại chi phí không chính thức trong hoạt động thuế. Bên cạnh đó, thủ tục hải quan cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, chi phí không chính thức còn phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực. Cùng một quy định chính sách nhưng cách thức thực thi khác nhau, có tình trạng tùy tiện trong áp dụng pháp luật và phần thua luôn thuộc về DN.

Theo bà Thảo, Nghị định 15/2018/NĐ-CP nêu rõ các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó bao gồm sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, các lô hàng phi mậu dịch, hàng mẫu, đặc biệt là qua chi cục hải quan luôn bị yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm hoặc xác nhận miễn kiểm tra từ cơ quan quản lý chuyên ngành, trong khi ở các cửa khẩu khác (như sân bay/cảng biển) lại không yêu cầu như vậy...

Chia phần quản lý

Theo CIEM, đang xuất hiện xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn cho DN.

Trước đây, về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, các DN chỉ việc xin cấp phép tại 1 đầu mối là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) thì nay phải xin giấy phép của 9 bộ liên quan với cùng một nội dung công việc. Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu… về kiểm định an toàn lao động giống nhau nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu DN tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Chi phí đào tạo DN phải trả chi phí chính thức khoảng 10 triệu đồng/DN.

Một ví dụ khác là các bộ chia phần quản lý đối với các thiết bị nâng áp dụng cùng quy chuẩn, tiêu chuẩn (TCVN 4244:2005 và QCVN 7:2012). Cụ thể, Bộ Xây dựng quản cần trục tháp, Bộ LĐ-TBXH quản các cần trục còn lại, Bộ Giao thông vận tải quản các phương tiện này khi chúng được dùng ở sân bay, cảng thủy, cơ sở đóng mới - sửa chữa tàu thủy…

Hay trong quản lý nồi hơi, cùng là chiếc nồi hơi có TCVN 7704:2007 và QCVN 01-2008/BLĐTBXH, Bộ LĐ-TBXH quản lý nồi hơi có áp suất không quá 16 bar còn Bộ Công Thương quản lý nồi hơi có áp suất lớn hơn 16 bar. Máy điều hòa nhiệt độ có công suất nhỏ hơn 90.000 BTU thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng điều hòa có công suất lớn hơn 90.000 BTU lại thuộc quản lý của LĐ-TBXH.

Bình mới, rượu cũ

Bên cạnh đó, trước đây Bộ LĐ-TBXH thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ yêu cầu các bộ rà soát, sửa đổi các quy định nhằm cắt giảm 50% danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành và quản lý danh mục các mặt hàng theo mã HS thì Bộ LĐ-TBXH dường như nắm lấy cơ hội này để ban hành quy định quy định về danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ với việc bổ sung danh mục nhiều hàng hóa (Thông tư 22/2018/TT-BLĐTBXH).

Ngày 29/3/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 765/QĐ-BCT về việc công bố danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Hàng trăm mặt hàng sắt thép và sản phẩm dệt may đã được liệt kê vào danh mục này. Tuy vậy, chỉ không kiểm tra trong giai đoạn thông quan, còn vẫn kiểm tra sau thông quan.

Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, trước đây bộ này yêu cầu kiểm tra chất lượng đối với dây điện bọc nhựa PVC có điện áp định danh đến và bằng 450/750V (QCVN 4:2009) nhưng hiện nay đã chuyển yêu cầu thành dây và cáp điện, tức là mở rộng phạm vi mặt hàng kiểm tra lên rất nhiều lần.

Chuyên đề