Nhiều giải pháp điều hành giá để kiểm soát lạm phát

(BĐT) - Bộ Tài chính vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan đến công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Thông báo nêu rõ bối cảnh của năm 2017 sẽ có nhiều tác động đến việc kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra là không quá 4%. Cụ thể, việc thực hiện nhiệm vụ điều hành giá, kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều áp lực, khó khăn hơn năm 2016 do có nhiều yếu tố dự báo gây sức ép lên mặt bằng giá như xu hướng hồi phục của giá xăng dầu và giá các hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới, việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục…) theo lộ trình thị trường; áp lực về tỷ giá; các rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai. Ngoài ra, với việc chuyển các nhóm dịch vụ từ phí sang giá do Nhà nước định giá theo Luật Phí và lệ phí và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP, thì việc tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá. Mặt khác, công tác điều hành giá đồng thời phải hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, theo Bộ Tài chính, công tác điều hành giá năm 2017 cần được tiến hành hết sức chặt chẽ và phối hợp bài bản ngay từ đầu năm.

Nhiều giải pháp cụ thể được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao cho các bộ, ngành. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế chi trả đối với các địa phương còn lại; sớm ban hành Thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế để triển khai thực hiện trong năm 2017; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước tính toán thời điểm và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Đối với việc quản lý giá thuốc chữa bệnh cho người, Bộ Y tế được giao khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý giá thuốc và đẩy nhanh tiến độ hoạt động của Trung tâm Đấu thầu thuốc quốc gia. Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được giao khẩn trương triển khai thực hiện đấu thầu thuốc với mục tiêu kéo giá thuốc giảm từ 10 - 15% so với mặt bằng giá hiện nay để hỗ trợ mặt bằng giá cả thị trường, đồng thời tăng cường quản lý giá thuốc. 

Bộ GTVT được giao phối hợp với Bộ Tài chính sớm quyết toán, tính toán phương án tài chính các dự án BOT, ưu tiên việc giảm phí hơn thời gian thu hồi vốn, cố gắng giảm đều cho tất cả các đối tượng tiêu dùng cùng được hưởng.

Chuyên đề