Nhận diện thách thức của nền kinh tế

(BĐT) - Mặc dù năm 2016 nền kinh tế đã đạt được phần lớn các mục tiêu đề ra trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững thì cần phải sớm nhận diện các thách thức của nền kinh tế để có biện pháp ứng phó thích hợp và kịp thời.
Nâng cao năng suất lao động là yêu cầu bức thiết để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Nâng cao năng suất lao động là yêu cầu bức thiết để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Nguy cơ nền kinh tế bị tụt hậu

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có những phân tích, đánh giá quan trọng, chỉ ra nhiều thách thức của nền kinh tế.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại của nền kinh tế cần phải giải quyết như: tham nhũng, lãng phí vẫn chưa khắc phục được; đầu tư công chưa hiệu quả; bội chi ngân sách còn cao; nợ xấu còn nhiều; mất cân đối thu - chi ngân sách; hệ thống ngân hàng hoạt động chưa vững; chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng; đời sống của một bộ phận người dân, công nhân, nông dân... còn rất nhiều khó khăn.

So với các nước trong khu vực ASEAN, hiện Việt Nam mới đứng thứ 6 về quy mô nền kinh tế, đứng thứ 7 về thu nhập bình quân đầu người, đứng thứ 5 về xếp hạng năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu so sánh nền kinh tế Việt Nam với Thái Lan thì chúng ta phải mất 16 năm nữa để đuổi kịp họ về trình độ phát triển hiện tại. So với Phillippines, quốc gia cạnh tranh vị trí trực tiếp với Việt Nam thì chúng ta vẫn luôn ở vị trí bám theo họ mà chưa thu hẹp được khoảng cách, để vượt qua nước này là cả một vấn đề. Nguyên nhân là do chất lượng tăng trưởng thấp; hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, ít cải thiện và chưa bền vững. Trong nhiều năm, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, trong khi hiệu quả đầu tư lại thấp; cơ cấu kinh tế chậm đổi mới; năng suất lao động chưa được cải thiện và còn cách khá xa so với các nước trong khu vực; thị trường lao động chưa phát triển và chậm chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ... 

Sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp

Nền kinh tế nước ta tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và có độ mở cao. Chính vì thế, mỗi biến động hàng ngày, hàng giờ của kinh tế thế giới sẽ có tác động ngay đến kinh tế Việt Nam. Năm 2016, giá dầu thô thế giới giảm thấp nhất trong vòng 12 năm qua, cùng với giá cả thế giới các mặt hàng cơ bản ở mức thấp đã làm thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại... ảnh hưởng không nhỏ đến các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế dựa nhiều vào dầu mỏ, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hội nhập sẽ gia tăng sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế, giữa các doanh nghiệp trong khi sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu. Nếu không có sự phát triển nhanh, liên tục thì không những doanh nghiệp Việt khó tham gia sân chơi hội nhập mà còn có thể bị thua ngay trên sân nhà. “Điều cần thiết, quan trọng và cốt lõi là chúng ta phải giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định đường lối xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ; phải tận dụng thời gian, chắt chiu từng cơ hội, tự đổi mới, tự vươn lên thì mới có khả năng vượt qua được thách thức này” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, một thách thức khác mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt suốt thời gian qua và dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới là vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường. Theo dự báo, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ diễn ra với tần suất nhiều hơn, khả năng tàn phá sẽ lớn hơn. Trong khi đó, việc ứng phó với biến đổi khí hậu là không đơn giản, đòi hỏi không chỉ ở giải pháp phù hợp mà còn cần phải có nguồn lực rất lớn. Nếu không thì mọi thành quả, mọi cố gắng, nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị phá hủy trong chốc lát.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để chủ động ứng phó với thách thức này thì việc đầu tiên là cần phải có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang tầm chiến lược, được lập theo phương pháp tích hợp, thích ứng với biến đối khí hậu; quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc không phá vỡ một cách tùy tiện. Có vậy mới hạn chế tối đa thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra và hướng tới phát triển bền vững.

“Hàng loạt các thách thức lớn đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ làm thế nào để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, giàu mạnh hơn, người dân được ấm no, hạnh phúc và hưởng thụ xứng đáng từ những thành quả của phát triển, lấy lại niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trăn trở.

Chuyên đề