Nhận diện lực cản tăng trưởng

(BĐT) - Vì đâu tăng trưởng thấp, làm sao để kéo tăng trưởng đi lên là những vấn đề được đưa ra bàn luận khá nhiều tại các diễn đàn kinh tế trong thời gian gần đây. 
Để tăng trưởng cao phải thúc đẩy 3 yếu tố quan trọng là tiêu dùng, xuất nhập khẩu và đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Để tăng trưởng cao phải thúc đẩy 3 yếu tố quan trọng là tiêu dùng, xuất nhập khẩu và đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Việc “bắt mạch” đúng nguyên nhân vì sao tăng trưởng không như kỳ vọng là điều quan trọng nhất lúc này, bởi nắm được đúng bản chất vấn đề mới có thể tìm được đúng giải pháp. 

Tăng đầu tư thay vì kích cầu tiêu dùng

Kết thúc quý I/2017, tăng trưởng GDP đạt 5,1%. Điều đó đồng nghĩa với việc 3 quý còn lại của năm nay phải đạt bình quân 7%. Việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu đã đề ra, Chính phủ đang đứng trước sức ép rất lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế.

Trong cuộc trò chuyện với Báo Đấu thầu gần đây, TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, đó là tiêu dùng, xuất nhập khẩu và đầu tư. Nếu “kích” 3 yếu tố này lên thì tăng trưởng sẽ cao.

Ngay sau khi GDP quý I được công bố, một số tổ chức đã đưa ra báo cáo nhận định cho rằng cung cầu suy giảm, gặp “trục trặc”, “có vấn đề” là nguyên nhân khiến tăng trưởng không như kỳ vọng. Tuy nhiên, theo ông Trinh, có thể thấy tiêu dùng và đầu tư đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

“Không nên kích cầu tiêu dùng nữa, bởi sức khoẻ nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tích lũy, vì tích lũy chính là nguồn lực cơ bản để đầu tư. Nếu đem tiêu dùng hết thì sẽ không còn tiền đầu tư”, ông Trinh nêu quan điểm.

Đặc biệt, ông lưu ý về việc nới  tăng trưởng tín dụng để tăng GDP, vì nếu không được kiểm soát, nguồn tín dụng đi vào tiêu dùng sẽ có nguy cơ rủi ro, lạm phát cao và dễ phát sinh nợ xấu.

Để tăng trưởng GDP một cách bền vững, thực chất, theo ông Bùi Trinh, cần tập trung vào lĩnh vực đầu tư, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đầu tư tư nhân và tìm mọi cách để doanh nghiệp có niềm tin mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Còn đối với đầu tư công, ông Trinh cho rằng, cần làm theo đúng kế hoạch, tránh dàn trải, tập trung vào những lĩnh vực ngành nghề có tác động đến sản xuất kinh doanh, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế.

“Đầu tư tượng đài, cổng chào cũng là đầu tư công nhưng không đi vào sản xuất, không hiệu quả, làm tăng đầu tư công”, ông Trinh dẫn chứng và cho rằng cần siết chặt đầu tư công, để nguồn ngân sách được sử dụng có hiệu quả.

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, dư địa cho các chính sách kích cầu là rất hẹp nếu không muốn nói là không còn.

“Quan sát xu hướng sản lượng tiềm năng tiếp tục gia tăng từ năm 2011 đến nay cho thấy, chính sách thúc đẩy tăng cung, tăng năng lực và tăng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế đang đi đúng hướng”, ông Nguyễn Tú Anh đánh giá và cho biết điều này cũng lý giải câu hỏi nghịch lý hiện nay là: Tại sao các chỉ số kinh tế vĩ mô đều rất tốt như lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, tín dụng tăng đều, đầu tư nước ngoài và trong nước tăng cao, chỉ số mua hàng của nhà sản xuất PMI liên tục trên mức tích cực trong 15 tháng, xuất nhập khẩu tăng mạnh, việc làm gia tăng…, nhưng tốc độ tăng trưởng lại không như mong muốn?

“Nguyên nhân chính là do nền kinh tế tăng trưởng đã sát sản lượng tiềm năng, nên tốc độ tăng trưởng sẽ khó có cải thiện nhanh chóng trong ngắn hạn, mà chỉ từ từ cải thiện trong dài hạn thông qua những tiến bộ về phía cung”, ông Nguyễn Tú Anh phân tích.

Như vậy, theo vị chuyên gia này, định hướng chính sách ở đây cần phải tập trung kích cung, nâng cao năng lực của nền kinh tế, chứ không phải là các chính sách tiền tệ, tài khoá đơn thuần để kích cầu. Việc quá chú trọng vào các chính sách kích cầu trong bối cảnh tiệm cận sản lượng tiềm năng như hiện nay sẽ không có hiệu quả nhiều, mà chủ yếu sẽ làm tạo ra áp lực lạm phát sau này.

Nợ xấu, đầu tư công là nút thắt?

Cũng chung quan điểm với TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, tăng trưởng suy giảm không phải do sức mua và đầu tư yếu. Bởi số liệu cho thấy, tiêu dùng và đầu tư đều gia tăng mạnh và có mức đóng góp lớn hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy vì sao tăng trưởng lại không khả quan như kỳ vọng? – ông Thành đặt câu hỏi.

Đề cập tới yếu tố được nhiều người nhắc đến, đó là vấn đề rào cản về thể chế, ông Thành cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra thông điệp khá mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Xét về thông điệp cải cách thể chế là khá tích cực.

“Tuy nhiên, rào cản thể chế không giải thích được cho tăng trưởng quý I/2017 thấp đi và cải cách thể chế thường có tác động lên tăng trưởng về mặt dài hạn. Vấn đề cốt lõi kéo tăng trưởng nằm ở ngân hàng, đầu tư công, nợ công và doanh nghiệp nhà nước”, ông Thành nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia này, nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn nằm đó có nghĩa là nền kinh tế vẫn phải dùng nguồn lực khan hiếm để “nuôi”. Đây là gánh nặng lớn nhất đang kéo tăng trưởng đi xuống. Vì vậy, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại thông qua xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu cần phải được coi là ưu tiên chính sách hàng đầu hiện nay.

Về đầu tư công, ông Thành cho rằng, không phải chỉ để thúc đẩy tăng trưởng ở phía cầu, mà quan trọng hơn là khai thông các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng. Vì thế, để có tăng trưởng trong giai đoạn này vẫn phải đầu tư và để có đầu tư công trong ngắn hạn mà không phá vỡ trần nợ công thì chỉ có nguồn tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước.

Chuyên đề