Nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao

(BĐT) - Tâm điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là hình thành các nhà máy thông minh dựa trên nền tảng công nghệ số, ứng dụng Internet kết nối vạn vật. 
Trước đây, giáo viên là thầy, nhưng nay thầy là huấn luyện viên để sinh viên thỏa sức sáng tạo. Ảnh: Hoài Tâm
Trước đây, giáo viên là thầy, nhưng nay thầy là huấn luyện viên để sinh viên thỏa sức sáng tạo. Ảnh: Hoài Tâm

Theo đó, bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cuộc cách mạng này đang đặt ra nhiều thách thức mới.

Đòi hỏi đổi mới công tác đào tạo

Tại Hội nghị khoa học Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ CMCN 4.0 tổ chức sáng ngày 26/2, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức với công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Một trong số các thách thức được ông Trần Tuấn Anh đề cập nhiều nhất chính là thách thức của quá trình chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện mô hình tăng trưởng; sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0 và tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.

Đề cập sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là bối cảnh mới đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức đối với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Tâm điểm của cuộc CMCN 4.0 chính là việc hình thành nhiều nhà máy thông minh, nhà máy số – nơi mà các máy móc sẽ được kết nối, tự động ra quyết định, toàn bộ hoạt động của nhà máy từ khâu thu thập, phân tích yêu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất, thiết kế, tổ chức sản xuất tới phân phối đều được quản lý, quản trị và thực hiện thông qua hệ thống thực - ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của Internet kết nối vạn vật. Trong các nhà máy đó, sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp, mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Lúc đó, con người sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được.

“Rõ ràng, bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Từ thực tế ấy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ yêu cầu các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao.

“Các trường đại học, cao đẳng, trường nghề của ta hiện nay không thể giữ nguyên phương thức, mô hình và nội dung đào tạo như trước đây, mà cần sớm đưa ra những đổi mới phù hợp để có thể cung cấp những “sản phẩm” tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động với yêu cầu ngày càng khắt khe”, Bộ trưởng nói thêm.

Chia sẻ về sự chuẩn bị đội ngũ nhân lực cho cuộc CMCN 4.0, Đại diện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, Trường đã có nhiều đổi mới trong hoạt động đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể như Trường thường xuyên nghiên cứu, khảo sát để nắm bắt nhu cầu xã hội, tập trung đào tạo các lĩnh vực xã hội có nhu cầu lớn khi tiến sâu vào cuộc CMCN 4.0 như: cơ khí chính xác, tự động hóa, robotics, lập trình mạng/thiết bị di động… 

Tìm kiếm những cách làm khác biệt

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) đã có những chia sẻ về công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cuộc CMCN 4.0.

 Theo Tổng giám đốc Viettel, cách mạng là cái mới thay cái cũ, doanh nghiệp mới thay thế doanh nghiệp cũ. CMCN 4.0 chính là “làm ngược” lại những gì chúng ta đang làm, nghĩ ngược lại những gì chúng ta đang nghĩ, mang lại đột phá cho người đi sau. Người đi sau phải có mong muốn không giống người đi trước vì người đi sau mà đi theo người đi trước thì mãi mãi là người đi sau. Người đi sau phải có cách đi khác biệt, riêng biệt… Do vậy, trong công tác đào tạo trong bối cảnh CMCN 4.0, chúng ta cần có những cách làm “ngược” để đến với thành công một cách khác biệt.

Với suy nghĩ này, nhìn về công tác đào tạo, ông Hùng nêu quan điểm, nếu như trước đây, học trước rồi làm, nhưng nay làm trước, trải nghiệm trước, rồi học. Việc thay đổi cách đào tạo, làm trước rồi mới đi học… thì việc hấp thụ sẽ tốt hơn rất nhiều. Hay như trước đây, giáo viên là thầy, nhưng nay thầy là huấn luyện viên để sinh viên thỏa sức sáng tạo.

Đồng tình với suy nghĩ này, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, CMCN 4.0 cạnh tranh nhau bằng trí tuệ. Cuộc cách mạng này không có ranh giới thực và ảo. Đây là cuộc cách mạng của sự hội tụ nhằm mục đích tiết kiệm trí tuệ và sức lao động, thời gian, không gian, tài nguyên và môi trường. Do vậy, công tác đào tạo cần chú ý đặc biệt để đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao với việc hiểu đầy đủ, đúng bản chất và có giải pháp thực hiện thực sự khoa học; đổi mới tư duy và tìm giải pháp đột phá…

Chuyên đề