Ngành dệt may thưởng Tết 2018 bình quân hơn 20 triệu đồng

Cán đích tăng trưởng xuất nhập khẩu hơn 10% nhưng hầu hết doanh nghiệp dệt may vẫn giữ mức thưởng Tết cho người lao động bằng năm ngoái.
Các doanh nghiệp dệt may vẫn duy trì mức thưởng Tết bình quân 2 tháng lương cho người lao động.
Các doanh nghiệp dệt may vẫn duy trì mức thưởng Tết bình quân 2 tháng lương cho người lao động.

Chia sẻ tại buổi họp tổng kết kết quả kinh doanh năm 2017, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2017 thu nhập bình quân của người lao động trong tập đoàn là 7,1 triệu đồng một tháng, tăng 500.000 đồng so với năm 2016. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tập đoàn năm 2017 tăng 2,7% nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp thành viên chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn năm ngoái, vì thế mức thưởng Tết bình quân vẫn giữ như mọi năm là 2 tháng lương.

“Có doanh nghiệp làm ăn tốt mức thưởng Tết là 3 tháng, đơn vị nào yếu hơn thưởng 1,5 tháng”, ông Trường nói. Với mức thưởng này, lãnh đạo Vinatex tính toán, người lao động được nhận khoảng 14-21 triệu đồng tiền thưởng dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Cũng duy trì mức thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động ở mức 2 tháng lương, chia sẻ với PV, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên cho biết, mỗi người lao động sẽ nhận 15-20 triệu đồng một người. So với mặt bằng chung trong ngành mức thưởng này theo ông “khá hơn nhiều đơn vị”.

“Thưởng Tết tại May Hưng Yên luôn nằm trong top khá cao của các doanh nghiệp trong ngành, năm nay chúng tôi cũng vẫn duy trì mức này cho người lao động để tạo hứng khởi”, ông nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may tại Hà Nam thì cho biết, năm nay đơn vị chỉ thưởng Tết 1,5 tháng lương cho người lao động. "Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ sụt giảm nên doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp không mấy khả quan. Ngoài tiền thưởng, mỗi lao động được nhận thêm khoản nhỏ từ Quỹ khen thưởng của doanh nghiệp", ông chia sẻ.

Năm 2017 được coi là năm nhiều thách thức với ngành dệt may Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) dừng lại, cùng với tình hình nhập khẩu cuối năm 2016, đầu năm 2017 không mấy thuận lợi.

Nhìn lại khoảng thời gian đầu năm 2017, ông Lê Tiến Trường cho rằng đó là lúc "bức tranh ngành dệt may rất tối". Các nhà bán lẻ đều siết chặt lại hệ thống tồn kho, đẩy hết hàng tồn cũ và không đặt thêm đơn hàng mới. "Phải từ tháng 5/2017 trở đi tình hình mới sáng lên đôi chút, đơn hàng lại tới tấp. Những doanh nghiệp sản xuất sơ mi thời điểm đó tâm sự với tôi, họ chạy máy ngày đêm mà không kịp bán", ông chia sẻ.

Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường và có sự bứt phá ở một số thị trường khác như Trung Quốc, Nga, Campuchia; đồng thời gia tăng các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, phụ liệu dệt may.

Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 26 tỷ USD tăng trên 8% so với năm 2016, xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 23% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ  liệu dệt may năm 2017 đạt gần 19 tỷ USD tăng 11,43% so với năm ngoái, trong đó 16 tỷ USD dùng cho sản xuất xuất khẩu.

Năm 2017 cũng ghi dấu mốc dệt may Việt Nam có 6 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng gấp đôi so với trước. "Sự tiến bộ của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian qua đều gắn với các hiệp định thương mại tự do", một lãnh đạo trong ngành dệt may nhận xét.

Riêng với Vinatex, tập đoàn này đạt doanh thu 45.550 tỷ đồng, tăng 10,7% so với 2016. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,1 tỷ USD và lợi nhuận trước thuế hơn 1.434 tỷ đồng. Năm 2018 tập đoàn này đặt kế hoạch doanh thu 48.500 tỷ đồng, lợi nhuận 1.450 tỷ.

Nói về triển vọng thị trường dệt may năm 2018, Tổng giám đốc Vinatex nhìn nhận, mục tiêu xuất khẩu 34 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017 là "thách thức không hề nhỏ của dệt may trong nước nếu không nỗ lực và chú trọng nhiều hơn tới giải pháp tăng năng suất lao động".

Nêu ra những rào cản thương mại, theo ông, bức tranh ngành dệt may thế giới vẫn sẽ đứng trước thách thức không nhỏ khi bất ổn chính trị và kinh tế thế giới, nhất là tình hình Triều Tiên, Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Ngoài ra, động thái Mỹ rút khỏi TPP, cảnh báo chấm dứt FTA của Mỹ và Hàn Quốc... cũng tạo nên nhiều rủi ro tiềm ẩn. Với dệt may trong nước, tăng trưởng của ngành vẫn cần tính tới kịch bản ngừa chống bán phá giá.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thị trường nội địa, lãnh đạo Vinatex cho biết, năm 2018 doanh nghiệp dệt may vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng trên sân nhà, nhưng sẽ có bước đi hài hòa, cân bằng giữa phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu để đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động và giữ vững sự phát triển doanh nghiệp. Riêng giải pháp quay lại thị trường nội địa, lãnh đạo Vinatex nói tập đoàn này sẽ theo hướng mũi nhọn, chứ không phải “nhà nhà làm nội địa” chia nhau miếng bánh 4,5 tỷ USD.

Chuyên đề