Năm 2019 - Bứt phá thành công

(BĐT) - Phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 bổ sung thêm 2 chữ “bứt phá” và kết quả của năm 2019 có thể khẳng định một năm bứt phá thành công. Sự bứt phá của năm 2019 không chỉ để tăng tốc trong giai đoạn nước rút, về đích Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, mà còn củng cố nền tảng, tạo đà để nền kinh tế đi nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Ngược lại với xu hướng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới, các tổ chức quốc tế tiếp tục có những nhận định và dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Ngược lại với xu hướng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới, các tổ chức quốc tế tiếp tục có những nhận định và dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều con số chưa từng có

Những số liệu kinh tế đạt được của năm 2019 báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương cho thấy một bức tranh kinh tế rất nhiều điểm sáng, nhiều kỷ lục có ý nghĩa. 2019 là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực. Kết quả tăng trưởng đạt được không phải đánh đổi bằng bất ổn vĩ mô, thâm dụng tài nguyên mà trên những nền tảng vững chắc, với đóng góp rất lớn của khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ.

Thủ tướng Chính phủ đã khái quát, năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỷ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến 23/12 là thặng dư (tổng thu cân đối 1,469 triệu tỷ đồng, tổng chi cân đối 1,316 triệu tỷ đồng), nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước còn khoảng 56% GDP. Thu ngân sách nhà nước vượt trên 8% dự toán Quốc hội giao. Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD (và đã thặng dư 4 năm liên tiếp), dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD - những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được.

Chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP 2019 đạt 46,11%, tính cả giai đoạn 2016 - 2019 là 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% giai đoạn 2011 - 2015. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,2% (theo giá cố định), cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Tăng trưởng tín dụng năm 2019 ước đạt 13%, trong khi nhiều năm trước tín dụng thường tăng trên 18 - 20%. Chỉ số Phát triển bền vững năm 2019 của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 2 sau Thái Lan trong khu vực ASEAN.

Một tín hiệu rất tích cực của nền kinh tế, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, là sự phát triển của các doanh nghiệp. Đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh nhất; số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng cao, đa dạng về loại hình, số vốn bình quân cao hơn nhiều năm trở lại đây, thể hiện rõ tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong xã hội. Đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, được vinh danh trong xếp hạng thế giới.

Nhiều chuyên gia đánh giá, điểm sáng nhất của bức tranh kinh tế 2019 là sức chống chịu của nền kinh tế đã được nâng lên rất nhiều. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài, thế nhưng một năm trôi qua với những biến động thế giới phức tạp, kinh tế Việt Nam không bị tác động nhiều, vẫn đảm bảo tăng trưởng và ổn định; tính tự chủ của nền kinh tế cũng được nâng lên rõ rệt... Nhiều chỉ số khác như tăng trưởng tín dụng chậm lại, lạm phát thấp, giải ngân FDI tăng, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt được không phải do tăng cung tiền, mà là tăng trưởng thực. Môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, nhiều rào cản đã được tháo gỡ, hiệu quả đầu tư kinh doanh cao hơn giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp…

“Những thành quả kinh tế - xã hội mà chúng ta có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng, với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được đồng thời, thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.       

Thành quả tăng trưởng đã giúp đời sống nhân dân được nâng lên khi với quy mô GDP ước đạt hơn 266 tỷ USD, bình quân GDP đầu người đạt gần 2.800 USD. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá đây là con số rất có ý nghĩa với một đất nước có 96 triệu dân.               

Triển vọng tích cực, nhưng cần đủ sức đi đường dài

Chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP 2019 đạt 46,11%, tính cả giai đoạn 2016 - 2019 là 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% giai đoạn 2011 - 2015. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,2% (theo giá cố định), cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực.
Với mức tăng trưởng 7,08% năm 2018, 7,02% của năm 2019, gần như chắc chắn chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% của cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. So với quốc tế và khu vực, đây là mức tăng rất tích cực. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhiệm vụ hết sức nặng nề là phải duy trì được đà tăng trưởng cao này trong thời gian dài để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã xây dựng 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Kịch bản 1 với nhiều khả năng xảy ra hơn, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát ở mức từ 3,5 - 4,5%/năm. Năng suất lao động được cải thiện hơn với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,3%/năm. Kịch bản 2, nếu Việt Nam tận dụng được công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chất lượng thu hút đầu tư có sự cải thiện, phát triển tốt nền tảng kinh tế hiện tại, có thể kỳ vọng GDP tăng trưởng 7,5%/năm.

Các tổ chức quốc tế tiếp tục có những nhận định và dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam. Ngược lại với xu hướng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 từ mức 6,7% lên 6,8%. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là rất tích cực. Các yếu tố căn bản của nền kinh tế vẫn vững vàng, Chính phủ đã tạo được dư địa tài khóa nhất định thông qua chính sách tài khóa thận trọng.

Dù triển vọng tích cực nhưng thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và giai đoạn phát triển tới là rất lớn, cả từ bối cảnh quốc tế và nội tại nền kinh tế, đòi hỏi những giải pháp quyết liệt, đúng hướng.

Theo ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, thị trường thế giới ngày càng có xu hướng kiểm soát chặt chẽ. Các hiệp định EVFTA, CPTPP có thể đem lại cả cơ hội và thách thức, vì thị trường châu Âu và nhiều nước tham gia CPTPP có tiêu chuẩn kỹ thuật rất lớn. Cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt, hàng hóa các nước đe dọa khu vực sản xuất trong nước ngay trên thị trường nội địa.

Vì thế, ông Cường khuyến nghị, cần cân nhắc, tính toán kỹ để một mặt nâng cao năng lực cạnh tranh, một mặt phải chọn lựa được hàng hóa thế mạnh để xuất khẩu, không bị tác động ngược bởi cạnh tranh. “Sự chuẩn bị của chúng ta vẫn chưa kỹ, việc chúng ta tham gia vào các thị trường của họ chỉ là lẻ tẻ ở một số doanh nghiệp, chưa mang tầm chiến lược, mang tính quốc gia. Phải đặt vấn đề này ở tầm chiến lược quốc gia”, ông Cường nhấn mạnh. Bởi vì, không có hành động ứng phó kịp thời thì Việt Nam không tận dụng được lợi thế từ các hiệp định mà ngược lại trở thành nơi trung chuyển hàng hóa, khu vực doanh nghiệp sẽ bị chèn ép.

WB lưu ý, xét những rủi ro bên ngoài nêu trên, đồng thời để mang đến động lực tăng trưởng bổ sung cho nền kinh tế, Việt Nam cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở thị trường trong nước vẫn phải đối mặt với những trở ngại lớn, hạn chế sự phát triển, trong đó được nói đến nhiều nhất là khả năng tiếp cận tín dụng. “Xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm, hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhận định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt đầu bài cho các bộ, ngành, địa phương làm sao để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2019, đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020. Phải tiếp tục tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật, nhất là những chỉ số còn thấp như giải quyết phá sản, nộp thuế, thương mại qua biên giới, bảo vệ nhà đầu tư. Phải khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp, các ngành trong năm 2020; đồng thời chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo. Và làm thế nào để tạo nền tảng cho kinh tế số phát triển tăng tốc trong năm 2020 và những năm tới?...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ phấn đấu điều hành để kết quả phát triển tổng thể của năm 2020 cao hơn năm 2019.

Đó không chỉ là vấn đề của năm 2020 - năm cuối Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, mà còn tạo đà cho nền kinh tế tăng tốc trong những năm tới, bởi vì muốn đạt những mục tiêu đề ra, Việt Nam chỉ có thể lựa chọn đi nhanh, bền vững.

Chuyên đề