Năm 2018 phấn đấu tăng trưởng 6,4 - 6,8%

(BĐT) - Theo Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm sau là khoảng 6,4% - 6,8%.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ cải thiện trong giai đoạn 2017 – 2019. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ cải thiện trong giai đoạn 2017 – 2019. Ảnh: Lê Tiên

Ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời với thúc đẩy tăng trưởng

5 tháng đầu năm 2017, tuy còn nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khả năng tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt được 6,7% nếu có sự nỗ lực, quyết tâm chung của các cấp, các ngành. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mục tiêu lớn nhất vẫn là ổn định vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế nhưng phải tận dụng cơ hội thuận lợi để phát triển nhanh.

Tinh thần này tiếp tục được thể hiện trong bản Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 vừa được Bộ KH&ĐT công bố lấy ý kiến. Mục tiêu tổng quát hàng đầu của năm 2018 là bảo đảm ổn định tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2017, chú trọng cải thiện chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế...

Đối với dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP năm 2018 khoảng 21%. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 12 - 14% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017.

Dự thảo Chỉ thị xác định năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Năm 2018, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới và khu vực; sự phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới; trong nước, các cân đối vĩ mô duy trì ổn định nhưng chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu và tốc độ tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, đã và đang là những thách thức đối với nền kinh tế nước ta.

Quyết tâm của Chính phủ về tăng trưởng GDP năm 2018 cũng khá phù hợp với những dự báo của các tổ chức quốc tế. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2018 nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng, du lịch. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi khi tăng trưởng GDP được dự báo sẽ cải thiện trong giai đoạn 2017 - 2019. Dự báo của WB về mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 là khoảng 6,4%, nhờ tăng mạnh nhu cầu trong nước và sản xuất theo định hướng xuất khẩu. 

Nhiều giải pháp cụ thể

Dự thảo Chỉ thị đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu kinh tế đề ra cho năm 2018. Trong đó, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng là một trong những nhiệm vụ đầu tiên được nhắc đến.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung nguồn lực xây dựng các công trình lớn, quan trọng thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải; tập trung triển khai các dự án đường sắt đô thị, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, tập trung ưu tiên cho đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường thủy nội địa và đường ven biển, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Dự thảo Chỉ thị cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với mục tiêu là tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư, kinh doanh, giảm tối đa các chi phí khởi nghiệp, tạo điều kiện để giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; đẩy nhanh quá trình cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và xây dựng các văn bản dưới luật liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp… 

Chuyên đề