Năm 2015: Nước Việt trong ấm lạnh của hành trình phát triển

Không chỉ có vấn đề Biển Đông, vận mệnh nước Việt những năm tháng này cũng đầy cam go. Không hiểu, “trong hồn người có con sóng nào không?”

Con sóng của tình yêu nước Việt, của sự xót xa trước bước chân nước Việt…. tụt lại so với thiên hạ

LTS:Tấm màn thiên thanh của năm cũ sắp buông xuống, để mở ra năm mới 2016 với tất cả hy vọng lẫn âu lo của nước Việt. Sao không hy vọng và âu lo được, bởi năm 2015, nước Việt đã trải qua biết bao vui buồn, ấm lạnh trong hành trình phát triển. Có quá nhiều sự kiện, vụ việc để dư luận XH quan tâm, bàn luận.

“Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”

Hẳn bây giờ, cứ lẩy tới câu Kiều nổi tiếng này, người dân Việt lập tức nhớ đến sự kiện lớn diễn ra trong tháng 7/2015. Đó là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của TBT Nguyễn Phú Trọng- một chuyến đi được dư luận XH trong nước, quốc tế hết sức quan tâm và chú ý. Cho dù trước đó đã có 04 chuyến đi của các vị Chủ tịch nước, TTCP sang thăm và làm việc, nhưng đây là chuyến đi đầu tiên của người lãnh đạo cao nhất của Đảng tới nước Mỹ.

Câu thơ Kiều do vị Phó TT Mỹ Joe Biden lẩy giữa cuộc chiêu đãi người đứng đầu cao nhất của Đảng, như một thông điệp tế nhị và thiện chí- về sự xích lại gần nhau giữa những quốc gia trong qúa khứ, không chỉ khác biệt sâu sắc về ý thức hệ tư tưởng, mà còn có quá nhiều những xung đột tổn thương. Một chuyến đi được giới quan sát cho rằng mang tính “biểu tượng” nhưng đó là sự “biểu tượng” có ý nghĩa thiết thực.

Vết thương đó đã được …. khâu vá bằng những mũi kim ngoại giao khéo léo của suốt 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai bên, một cuộc “vá may” đường trường trong lịch sử đối ngoại của nước Việt. Nhưng điều quan trọng hơn, sự tan sương đầu ngõ vén mây giữa trờiđó đem đến cho mỗi quốc gia những lợi ích của sự hợp tác và phát triển, nhất là với nước Việt, nền kinh tế XH còn quá nhiều vật cản, từ nhận thức, tư duy, mô hình tổ chức kinh tế đến cung cách quản lý khá nhiều non yếu, lỏng lẻo…

Trong cái sự xích lại gần đó, các hiệp định thương mại nay mai VN sẽ tham gia, trong đó Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)- cây cầu thương mại bắc qua giữa hai nền kinh tế thị trường, một bên đã có hàng trăm năm, một bên chỉ vỏn vẹn có 30 năm, có vẻ như được nước Việt trông đợi nhất.

Nhưng cũng chính vì sự “vênh” nhau giữa hai bờ phát triển, mà cơ hội cùng lúc với thách thức, đang đối mặt với quốc gia bên bờ Biển Đông vốn nhiều sóng gió này.

“Cuộc cờ” hội nhập đang cần những nước cao tay!

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, xét về tác động kinh tế, TPP có thể đóng góp tăng tới 8% vào GDP của VN, 17% vào kim ngạch xuất khẩu thực tế, và 12% vào trữ lượng vốn quốc gia trong vòng 20 năm tới. Không chỉ loại bỏ các rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận thị trường xuất khẩu chủ lực, TPP còn có những tác động hữu hình tới chất lượng thi hành pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ, quản lý DNNN…(TBKTSG, ngày 08/10). Cái lợi đã thấy rõ. 

Nhưng cái áp lực cũng không kém. Bởi khi đã cam kết, nước Việt đồng thời phải chấp nhận không ít cam go, nhất là thực hiện cải cách thể chế kinh tế, tái cơ cấu kinh tế, chấp nhận các luật quy định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Bởi nhận thức và tư duy cố hữu về vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế thị trường. Bởi xuất khẩu hàng hóa của nước Viêt lâu nay phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu và hàng hóa trung gian.

Mà xưa nay, khó khăn nhất là thay đổi tư duy và quan niệm của chính mình!

Không chỉ có cải cách thể chế kinh tế, cam kết gia nhập TPP, nước Việt cũng sẽ phải tuân thủ những quy định về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, tiêu chuẩn lao động- những quy định bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của người lao động theo xu hướng hội nhập, cởi mở và dân chủ hơn. Điều đó đòi hỏi năng lực, kỹ năng thương thảo, hòa giải, thuyết phục và chấp nhận sự cạnh tranh của chính các tổ chức công đoàn truyền thống lâu nay.

Liệu nước cờ của nước Việt sẽ ra sao?

Khó nhất là thay đổi từ….nhà nước

Sự phát triển kinh tế mỗi quốc gia bao giờ cũng phản chiếu tầm tư duy của chính quốc gia đó. Nhưng như một quy luật thường tình của đời sống, thực tiễn XH luôn có những vị ngọt ngào cùng cay đắng.

Ngọt ngào khi người ta gặt hái. Khi tư duy đi cùng thời đại. Và cay đắng khi thất bát. Khi tư duy đó đã trở nên lỗi thời trước những phát triển nhanh và mạnh của  văn minh nhân loại và lịch sử.

Nước Việt đã có những thành quả của 30 năm Đổi mới từ cơ chế xin- cho bao cấp, sang cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhưng nước Việt cũng đang tụt hậu. Không cần so với các quốc gia văn minh tiên tiến có bề dày kinh tế thị trường, mà so với yêu cầu phát triển, so với tốc độ vận hành của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều tiến theo hướng thuận, thì nước Việt lại theo hướng….không được thuận lắm. 

Không phải ngẫu nhiên, tại Diễn đàn tổng kết 30 năm Đổi mới được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đã nhận định, tình trạng tụt hậu của đất nước là do tư duy cũ kỹ, xơ cứng. Chúng ta đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển. Người Việt thích tranh luận nhưng chỉ luẩn quẩn trong mấy chữ mà mất hai, ba chục năm nay. Có những khái niệm như “vòng kim cô” ghì chặt sự phát triển của đất nước (TBKTSG, 19/11).

Cái sự cũ kỹ đó phản chiếu ngay trong những thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế QH trả lời phỏng vấn báo VnEconomy, ngày 01/11: “Nhìn cả quá trình thì từ 2008 đến nay Việt Nam có xu hướng phát triển… ngược thế giới”. Ngược thế nào? Theo ông Nguyễn Đức Kiên, tái cơ cấu DNNN chậm chạp. 432 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải cổ phần hóa theo kế hoạch, nhưng đến nay còn hơn 100 tập đoàn, TCT chưa CPH được.

Trong lúc DNNN nắm giữ 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản là gần 5 triệu tỷ đồng, không những không có tác động tích cực với nền kinh tế mà còn đang bon chen với DN dân doanh kiếm lợi nhuận từ nền kinh tế. Từ đó tốc độ nợ công tăng nợ cao hơn GDP. Tốc độ tăng nợ bình quân đến 18% bình quân, còn GDP tăng chỉ có 5,88%, rất nguy hiểm (Tuần Việt Nam, ngày 07/11).

Không phủ nhận những DNNN vẫn luôn ăn nên làm ra, đóng góp lớn cho quốc gia, nhưng cũng không thể phủ nhận, sự thất bát đó là sản phẩm... “chính chủ” của một môi trường kinh doanh bất bình đẳng, không sòng phẳng giữa các thành phần kinh tế. Đó là, theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế TƯ, trong khi DNNN được ưu đãi, sử dụng 70% đất đai, 70% viện trợ chính thức ODA, 60% tín dụng của nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp 32% tổng GDP cả nước (Nhịp cầu đầu tư, ngày 06/6/2014). Thì DN tư nhân lại bị làm khó dễ đủ điều từ chính quản lý nhà nước các ngành, dù đóng góp 39% tổng đầu tư toàn xã hội và khoảng 50% GDP.

Dẫn đến hiện tượng vô lý- có những DNNN kinh doanh những ngành “độc quyền” làm ăn thua lỗ liên miên nhưng vẫn không phải chịu trách nhiệm. Sự… tán tài đó, cuối cùng chỉ XH và người dân lãnh đủ.

Dẫn đến hiện tượng các DNNN coi thường cả những quy định của pháp luật. Đó là vụ việc 662 DNNN trong số 781 DN do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ không chịu báo cáo về công nợ cho Bộ Tài chính, làm cơ sở giúp QH thực thi chức năng giám sát nguồn lực khổng lồ đang được các DNNN nắm giữ. Trong khi số nợ của 119 DNNN có báo cáo như "chúa Chổm": Tổng số nợ phải trả là 1.567.063 tỷ đồng, tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng, tổng số hàng tồn kho là 216.255 tỷ đồng. Thử hỏi con số nợ của 662 DNNN không chịu… tiết lộ “khủng” thế nào?

Và dẫn đến những hệ lụy tai hại nhãn tiền mà trong một số bài viết trên Tuần Việt Nam, người viết bài đã nêu ra: Đó là bản chất cơ chế ban phát, xin- cho ở các DNNN khiến cho nơi đây là mảnh đất béo bở cho các loài sâu mọt sinh nở (tham nhũng, lợi ích nhóm), nguyên nhân căn cốt việc cổ phần hóa các DNNN- một quy chuẩn khi tham gia TPP- rất chậm chạp. Mặt khác, các DN tư nhân mặc dù đóng góp lớn, nhưng thiếu động lực để có tầm nhìn xa, có thể góp phần phát triển hơn nữa cho XH.

Sự thất bát đó còn là hệ lụy của cách đi… ngược với nguyên lý chung của kinh tế thị trường: Quản lý nhà nước vẫn can thiệp vào kinh doanh. Tháng 3/2013, khi sang thăm VN, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã có một lời khuyên chí tình xuất phát từ thực tiễn kinh tế thị trường nước Anh và các quốc gia phát triển. Đó là, trong cải cách kinh tế, vai trò của CP rất cần thiết khi bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo khuôn khổ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vai trò của CP lại không hiệu quả lắm trong điều hành kinh doanh.

Tại Diễn đàn đối tác phát triển VN, bà Victoria Kwakwa (Giám đốc Quốc gia của WB tại VN) và nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế tư vấn: Việc chuyển vai trò của Nhà nước từ sản xuất sang quản lý là rất cần thiết. Chính phủ VN cần có những bước đi rút ra khỏi những lĩnh vực không cần tham gia. Những quyết định thay đổi vai trò của nhà nước như vậy, sẽ giúp VN cải thiện năng suất lao động, tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn

Nhưng thay đổi tư duy- nói dễ mà làm- cực khó. Vì sao?

Không hẹn mà gặp, trả lời TBKTSG (ngày 10/10), ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, trước yêu cầu hội nhập TPP, cải cách hiện nay phải là cải cách… nhà nước. Phải thay đổi chức năng, vai trò, vị trí, cơ cấu tổ chức của nhà nước bao gồm cả bên hành pháp, tư pháp, lập pháp; cải cách trong nội bộ các nhánh quyền lực thì mới thay đổi được năng lực quản lý. Tức phải đổi mới toàn diện.

Còn ông Trương Đình Tuyển, nguyên Trưởng đoàn đàm phán VN gia nhập WTO, khi tham dự buổi báo cáo của Bộ Công Thương về việc kết quả đàm phán TPP nhận định: “Tôi rất lo cho DN, nhưng tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn bởi DN chịu sức ép của cạnh tranh thì phải vươn lên, song bộ máy Nhà nước trì trệ thì rất nguy hiểm”.

Đồng cảm với hai nhận xét trên, người viết bài cho rằng, trong mọi cuộc cải cách hay đổi mới, nhân dân là người tạo nên sức mạnh vật chất, nhưng sức mạnh vật chất đó phải được hướng đạo bắt đầu từ nhà nước- từ sự đổi mới về nhận thức, tư duy dẫn đến các chính sách đồng bộ.

“Nước cờ” đó có được đồng cảm hay không, còn ở phía trước

Quyền lực và sự tha hóa

Có lẽ, một trong những vấn đề gây bất bình và nhức nhối XH nhất của năm 2015 chính là quốc nạn tham nhũng. Bởi sức tàn phá của loại sâu mọt này làm suy yếu sự phát triển XH. Bởi sự tha hóa của không ít những quan chức có quyền lực. Sự tha hóa khiến người dân mất lòng tin, làm suy yếu cả vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Nhưng một thống kê mới nhất của Thanh tra CP khiến bàn dân thiên hạ bất ngờ: Trong 08 năm (2007-2014) có 5,55 triệu lượt (người thuộc đối tượng kê khai tài sản) kê khai thu nhập theo quy định, xác minh 2.632 trường hợp nhưng cuối cùng chỉ xử lý kỷ luật được 18 cán bộ. 

Bất ngờ nữa, báo chí liên tục đưa tin báo cáo số liệu về xử lý tham nhũng 09 tháng đầu năm 2015, Thanh tra t/p HCM cho biết, cơ quan chức năng chưa phát hiện hành vi tham nhũng. Cách đó không lâu HN cũng khẳng định, chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Đến mức báo GDVN, ngày 15/12 đã phải giật title:"Chuyện cổ tích" ở HN và t/p HCM! Còn ĐBQH Dương Trung Quốc thẳng thắn và hài hước: Vậy thì tham nhũng nằm ở đâu, không lẽ ở nhà quê (Nhà báo và Công luận, ngày 19/12)

Không hài hước sao được, nếu biết rằng hai t/p lớn này là nơi tập trung không ít các dự án lớn, và trong bối cảnh XH mà tham nhũng là quốc nạn, quản lý vốn lỏng lẻo, mà tham nhũng lại “bỏ qua”, thì quả là cổ tích ngày xửa ngày xưa…

Khác với dư luận XH, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng TTCP lại nhìn nhận rất lạc quan công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay. Trả lời báo chí nhân ngày quốc tế phòng chống tham nhũng (9/12), ông khẳng định, VN có công thức riêng soi tham nhũng, và được đánh giá cao, dựa vào 03 yếu tố: Hoàn thiện thể chế, thực hiện dân chủ và công khai minh bạch cùng với trách nhiệm giải trình.

Người viết bài tự hỏi, chả lẽ, XH ta mắc chứng bệnh…. hoang tưởng về tham nhũng?

Chắc chắn không phải! Trong dịp tiếp xúc với cử tri Q4 (t/p HCM), người đứng đầu nước đã phải thẳng thắn thừa nhận: Trong công tác phòng chống tham nhũng, chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của mình không tròn. Buồn lắm, xấu hổ lắm. Tại sao nước mình anh hùng, oanh liệt trong kháng chiến chống ngoại xâm hàng ngàn năm nay, mà nạn tham nhũng thì đứng xếp hạng trên 100? Bê bối quá, cảm thấy không thể chấp nhận được. 

Thế nên, theo người viết bài này, ông Tổng TTCP quên rằng, tất cả giải pháp đó vẫn chỉ là lý thuyết mang tính mong muốn. Bởi trong thực tế, muốn chống được tham nhũng, nguồn gốc thu nhập của mọi công dân, nhất là quan chức có quyền lực- quyền lợi, phải được kiểm soát từ gốc. Đó là điều quan trọng nhất.

Việc kê khai tài sản hiện nay tưởng là minh bạch, nhưng lại rất thiếu cơ sở thực tiễn, khi không kiểm soát được gốc tài sản đó từ đâu ra. Nếu công bằng mà nói, sự kiểm soát kê khai tài sản hiện nay mới là nắm được cái… ngọn.

Hãy nghe ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH: Luật Phòng chống tham nhũng được đánh giá “đẹp”, tiến bộ, nhưng thực tế chưa hiệu quả. Chúng ta mới kê khai (tài sản) cho đẹp chứ chưa kiểm soát được.

Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (TTCP) nhận xét: Quy định về kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đang có "lỗ hổng" rất lớn. Người có tài sản dễ dàng chuyển tài sản cho vợ hoặc chồng hoặc con đã thành niên, nhất là những người này không thuộc diện phải kê khai (VietNamNet, ngày 08/12)

Còn giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát kỳ cựu, trả lời phỏng vấn một tờ báo đã cho rằng sứ mệnh này (chống tham nhũng ở VN – KD) là bất khả thi "chừng nào không có một cơ quan độc lập và có quyền lực, độc lập về hành pháp, tòa án, công an, độc lập về báo chí…..”

Chợt nhớ đến bài thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Không chỉ có vấn đề Biển Đông, mà vận mệnh nước Việt những năm tháng này cũng đầy cam go. Không hiểu, trong hồn người cócon sóng nào không?

Con sóng của tình yêu nước Việt, của sự xót xa trước bước chân nước Việt…. tụt lại đằng sau.

Còn tiếp...

Chuyên đề