Muốn logistics phát triển phải nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng

Cần hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển hạ tầng logistics, bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phù hợp với các quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển ngành logistics Việt Nam được các đại biểu nêu ra tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics tại Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 1/2 tại TPHCM.

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Giám đốc ITPC cho biết, do có vị trí địa lý đặc thù là trung tâm kinh tế với hệ thống cảng biển và các kho chứa hàng, nên TPHCM có vai trò đầu mối trong hoạt động vận chuyển hàng hóa của cả khu vực Đông Nam Bộ.

Theo thống kê, năm 2017, ngành logistics của TPHCM đạt 91.541 tỷ đồng, chiếm 8,6% trong tổng GRDP và 14,8% trong khu vực dịch vụ. Đây là ngành có vị trí quan trọng thứ 2 trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố, có mức tăng trưởng 10,84% so cùng kỳ. Tuy nhiên, việc phát triển logistics tại TPHCM và các khu vực lân cận đang gặp trở ngại lớn từ kết cấu hạ tầng.

Bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó Giám đốc Tiếp thị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, hiện nay các cơ sở hậu cần logistics chủ yếu tập trung tại khu vực quanh cảng Cát Lái, khu vực Thủ Đức, Sóng Thần, Linh Trung và khu vực lân cận cầu Đồng Nai. Riêng TPHCM có 11 cảng làm hàng container và hàng rời, với tổng diện tích trên 310 ha và trên 7.000 m cầu tàu.

Việc tập trung này gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông, tắc đường xảy ra thường xuyên, xe quay vòng chậm, các chi phí phát sinh vì thế tăng thêm. Với hàng nhập, thời gian lưu bãi bình quân cũng tăng thêm do giải phóng hàng chậm.

Bên cạnh đó, các cơ sở logistics rất manh mún, không thành một nơi tập trung như các trung tâm logistics ở nước ngoài, do đó phân tán và gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, bà Vân cũng cho biết, hiện nay, độ tĩnh không của các cầu được xây dựng quanh TPHCM cũng đang gây khó cho việc vận chuyển bằng đường thủy, làm tăng chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), các yếu tố chủ yếu làm chi phí logistics tăng cao là: Chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ quá cao, phụ phí tại cảng biển mà chủ tàu container nước ngoài đang thu chủ hàng Việt Nam, hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với phương tiện sau cảng và kiểm tra chuyên ngành. Chính vì vậy, để giảm chi phí logistics, trước tiên phải giảm phí vận tải, vì phí vận tải chiếm 50% phí logistics

Xây dựng trung tâm logistics và kho phân phối cho vùng

Từ thực trạng nêu trên, bà Phạm Thị Thúy Vân đề xuất, TPHCM và các địa phương thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực ĐBSCL cần có chương trình hành động chung trong việc xây dựng các trung tâm logistics và kho phân phối tập trung của vùng, tránh việc mỗi tỉnh chỉ hướng đến địa phương của mình trong kế hoạch hành động. Việc xây dựng các kho phân phối tập trung giúp cho việc phục vụ một thị trường rộng lớn hơn và cùng với nó là việc phát triển các cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Các trung tâm phân phối, hay còn gọi là “làng logistics”, cần phải có sự nghiên cứu quy hoạch sớm, chi tiết về sản lượng hàng, luồng hàng, dòng xe, xây dựng hệ thống đường bộ, đường thủy và đường sắt kết nối để giảm sự ùn tắc giao thông cục bộ.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Son, Trưởng phòng Logistics Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé cho rằng, cần nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng kết nối. Theo đó, cần hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển hạ tầng logistics, bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phù hợp với các quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng.

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, tuyên truyền cho các chủ hàng sử dụng logistics theo hướng chuyên môn hóa, thay đổi tập quán xuất nhập khẩu mua CIF-bán FOB để tránh phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài trong thuê vận tải, tạo điều kiện cho doanh nghiệp logistics tham gia vào nhiều công đoạn cung ứng dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng và ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục thông quan điện tử, xây dựng hạ tầng và kết nối chia sẻ thông tin  giữa các cơ quan chuyên ngành để đơn giản hóa thủ tục.

Chuyên đề