Mừng, lo xuất khẩu 7 tháng

(BĐT) - Doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhờ đó, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã lên mức trên 30%. Bên cạnh bước tiến tích cực này, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn một số điểm đáng quan ngại.
Khu vực kinh tế trong nước dù tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu nhưng vẫn nhập siêu 16,8 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Khu vực kinh tế trong nước dù tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu nhưng vẫn nhập siêu 16,8 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Mức đóng góp của doanh nghiệp nội ngày càng cao

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2019 ước tính đạt 288,47 tỷ USD với kim ngạch xuất khẩu đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29%); khu vực FDI đạt 101,13 tỷ USD, tăng 5,6%, chiếm 69,7%. Như vậy, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Nhận xét về xu hướng xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp thuộc Bộ Công Thương nói: “Điểm rất tích cực là khu vực doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của khu vực doanh nghiệp FDI. Nhờ đó, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp trong nước ngày càng cao. Sự đảo chiều tăng trưởng này đã xuất hiện từ năm 2018 và tiếp tục kéo dài hơn một năm rưỡi qua. Đây là điều đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp trong nước đã dần cải thiện nội lực để tăng năng lực xuất khẩu hàng hóa”.

Mặt khác, do các bất ổn về chính trị nên tăng trưởng xuất khẩu của các nước trên thế giới đang chậm lại với mức dự báo là khoảng 2,7% trong năm nay. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 7,5% trong 7 tháng đầu năm là điểm sáng khả quan. 

Cần tiếp tục cải thiện nhiều mặt

Trong 7 tháng năm 2019, có 24 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 27,3 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Với điểm sáng tăng trưởng xuất khẩu, cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 1,8 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,8 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 18,6 tỷ USD.

Những con số trên cho thấy, dù xuất khẩu đã được đẩy mạnh nhưng mức nhập siêu của doanh nghiệp trong nước vẫn còn lớn. Đáng chú ý, mức xuất siêu của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp FDI.

“Các doanh nghiệp FDI vẫn giữ lợi thế lớn về xuất khẩu nhờ thế mạnh về vốn, công nghệ, thị trường và chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Họ vẫn chiếm lĩnh kim ngạch xuất khẩu ở những lĩnh vực công nghệ cao”, ông Lê Quốc Phương bình luận.

Ở một diễn biến khác, trên thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng trong 7 tháng năm 2019 giảm so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, rau quả giảm 0,3%; cà phê giảm 18,7%; hạt điều giảm 11%; gạo giảm 14%. Sự suy giảm này có nguyên nhân từ cả xu hướng giảm giá trên thị trường hàng hóa thế giới và chủ trương thắt chặt nhập khẩu của một số quốc gia.

“Trên thị trường thế giới, một số mặt hàng nông sản giảm giá là điểm bất lợi cho xuất khẩu của chúng ta. Ở khía cạnh khác, điều đáng quan tâm là Trung Quốc đang có xu hướng tăng hàng rào kỹ thuật với nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, không nên quá lo ngại về điều này, bởi đây cũng là lực đẩy buộc chúng ta phải nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn, từ đó có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu chứ không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của chúng ta sang thị trường các nước phát triển đã và đang tăng trưởng tích cực, cho thấy doanh nghiệp đã dần thích ứng với tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường này”, ông Phương nói.

Về triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới, theo vị chuyên gia này, khả năng tăng trưởng 7 - 8% theo mục tiêu của Chính phủ là hoàn toàn có thể đạt được. Về lâu dài, khi các hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực, cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều hơn, song cũng đòi hỏi sự nỗ lực từ cả doanh nghiệp và các cơ quan chức năng qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, bổ sung và làm rõ các quy định còn chưa hoàn thiện.

Chuyên đề