Mô hình tăng trưởng chậm chuyển dịch

(BĐT) - Tại Tọa đàm công bố Ma trận hạch toán xã hội (SAM) Việt Nam năm 2012 và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam, TS. Đặng Thị Thu Hoài thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam đang thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp hiệu quả giữa chiều rộng và chiều sâu, nhưng kết quả giai đoạn 2011 - 2015 chưa mấy khả quan.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Thông qua dữ liệu của SAM Việt Nam 2012 công bố và so sánh với SAM 2000, bà Hoài phân tích, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất của hàng hóa Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự sụt giảm đáng kể. Chi phí lao động có xu hướng tăng trong khi giá trị thặng dư lại giảm mạnh. “Điều này cho thấy lao động giá rẻ dần không còn là một trong những lợi thế so sánh của Việt Nam ”, bà Hoài nhận định và cho biết, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng (dựa vào tăng số lượng vốn, lao động và tài nguyên) sẽ tất yếu dẫn đến  tốc độ tăng trưởng giảm dần.

Theo SAM Việt Nam 2012, tăng trưởng kinh tế thời gian qua có sự đóng góp lớn của xuất khẩu. Tỷ trọng ngành hàng xuất khẩu có sự thay đổi đáng kể theo hướng công nghiệp hóa khi xuất khẩu các mặt hàng như điện tử, dệt may… tăng mạnh, kéo theo năng lực sản xuất trong nước. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng gia tăng hàng hóa sử dụng nhiều vốn và lao động. Tuy nhiên, mức độ nhập khẩu của những ngành này cũng có sự gia tăng tương ứng.

Cũng theo TS. Hoài, tính liên kết giữa các ngành kinh tế dù có tăng nhưng vẫn còn lỏng lẻo. Theo bà Hoài, ngành chế biến nông sản và dệt may giúp gia tăng việc làm nhưng tỷ trọng đóng góp của ngành chế biến nông sản vào GDP lại giảm và mối liên kết trong nền kinh tế của ngành dệt may chưa cao. Ngành công nghiệp điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng lại không có mối liên kết chặt chẽ với các ngành sản xuất khác của nền kinh tế. “Nguyên nhân ở đây là do ngành công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa thấp buộc các ngành này phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài”, vị chuyên gia này lo ngại.

Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra một số mặt hạn chế của kinh tế Việt Nam. Cụ thể, mức đóng góp của yếu tố công nghệ và sự liên kết trong nền kinh tế trong tăng trưởng và tạo việc làm còn khiêm tốn, tăng trưởng của những ngành có khả năng tạo nhiều việc làm chưa được phát huy làm cho khả năng tạo việc làm của nền kinh tế đang giảm dần...Từ những phân tích trên, đại diện nhóm nghiên cứu SAM Việt Nam 2012, GS. Finn Tarp, Giám đốc Kinh tế Phát triển thế giới của Đại học Liên hợp quốc (UNU – WIDER) cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm bứt phá trong tăng trưởng và phát triển. PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM bày tỏ: “Hy vọng các nghiên cứu từ sử dụng SAM 2012 và các năm trước sẽ góp phần gợi mở những định hướng chính sách nhằm chuyển dịch mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu mà Việt Nam đang hướng đến”.

Cho ý kiến về vấn đề này, bà Hoài cho rằng, chỉ khi nào  quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế được hướng theo chiều sâu thông qua nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa, nâng cao chất lượng hàng hóa nhờ thay đổi công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tăng sức gắn kết giữa các ngành kinh tế với nhau thì lúc đó Việt Nam mới có thể phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm nhằm tận dụng lợi thế từ nông nghiệp. 

Chuyên đề