Mở cửa thị trường mua sắm chính phủ trong EVFTA: Có lộ trình cho nhà thầu Việt lớn lên

(BĐT) - Như quy định về mở cửa thị trường mua sắm chính phủ (MSCP) trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mở cửa thị trường MSCP của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa ký kết cũng là sự mở cửa từ từ, theo lộ trình rõ ràng… 

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu Việt Nam có thời gian chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh để tiến ra “sân chơi” lớn.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Mở cửa từ từ

Thông tin về việc mở cửa thị trường MSCP trong EVFTA, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA của Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta mở cửa mua sắm công, nhưng chúng ta vẫn giữ lại sân chơi cho các nhà thầu Việt Nam với rất nhiều biện pháp như: đưa ra ngưỡng giá gói thầu mở cửa đối với các nhà thầu EU, lộ trình thực hiện mở cửa, sử dụng các biện pháp bảo lưu…”.

Theo ông Khánh, một điểm đáng chú ý tại Phụ lục 9B - Bản chào của Việt Nam đối với Chương MSCP tại EVFTA-  có khác biệt so với Bản chào của Việt Nam tại CPTPP. Đó là, trong CPTPP, chúng ta chỉ cam kết mở cửa một phần hoạt động MSCP (mở cửa ở cấp các cơ quan nhà nước trung ương, không cam kết mở cửa cơ quan cấp địa phương). Tuy nhiên, với EVFTA, chúng ta có cam kết mở cửa cấp địa phương (TP. Hà Nội và TP.HCM).

Phụ lục 9B quy định rõ mức độ mở cửa thị trường ở từng cấp cũng như ngưỡng giá gói thầu và lộ trình mở cửa thị trường MSCP của Việt Nam với EU.

Theo đó, về mở cửa thị trường MSCP ở cấp trung ương, Bản chào của Việt Nam nêu rõ, có 20 cơ quan cấp trung ương được liệt kê (Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…) thuộc diện mở cửa MSCP đối với các các gói thầu có giá gói thầu bằng hoặc cao hơn ngưỡng quy định. Cụ thể, ngưỡng tối thiểu của gói thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ trong 5 năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực là 1,5 triệu SDR; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 1 triệu SDR... Các gói thầu dịch vụ xây dựng, trong 5 năm đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực là 40 triệu SDR; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 20 triệu SDR; từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15 là 10 triệu SDR...

Về mở cửa MSCP cấp địa phương, Bản chào của Việt Nam cam kết mở cửa 2 địa phương là Hà Nội (18 sở) và TP.HCM (15 sở và Văn phòng UBND Thành phố). Việc mở cửa áp dụng đối với các gói thầu có giá gói thầu bằng hoặc cao hơn ngưỡng quy định và theo lộ trình mở cửa. Cụ thể, đối với gói thầu hàng hóa và dịch vụ trong 5 năm đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực là 3 triệu SDR; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 2 triệu SDR... Đối với gói thầu dịch vụ xây dựng, trong 5 năm đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực là 40 triệu SDR; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 25 triệu SDR...

Tin tưởng năng lực cạnh tranh của nhà thầu Việt

Với những nội dung cam kết mở cửa MSCP của Việt Nam trong EVFTA, ông Khánh khẳng định: “Tất cả các nội dung này được đàm phán kỹ lưỡng, đảm bảo mức độ mở cửa, lộ trình mở cửa MSCP nhằm cùng lúc đáp ứng hai mục tiêu là vừa minh bạch hoạt động sử dụng tiền thuế của nhân dân, đồng thời có những ưu tiên nhất định cho các nhà thầu Việt Nam để năng cao năng lực”.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Trưởng nhóm đàm phán về MSCP trong EVFTA cho biết, thị trường MSCP của EU có 28 nước, sản phẩm hàng hóa của EU và Việt Nam mang tính bổ sung cho nhau, và hầu như hàng hóa của chúng ta khó cạnh tranh với EU. “Hiện nay, danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được còn rất hạn chế nên kể cả đấu thầu trong nước thì hàng hóa chủ yếu đến từ nước thứ 3 là các nước phát triển, đang phát triển. Vì thế, khi Việt Nam mở cửa MSCP với EU, hàng hóa của EU sẽ cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác thay vì cạnh tranh với hàng Việt”, bà Hằng nói.

Đối với mức độ tác động mở cửa thị trường MSCP trong EVFTA đối với Việt Nam, bà Hằng cho rằng, đối với các gói thầu mua sắm lớn mà các nhà thầu trong nước chưa đủ khả năng thực hiện, hiện chúng ta đang tổ chức đấu thầu quốc tế, theo đó, mọi nhà thầu trên thế giới đều được tham gia chứ không riêng nhà thầu trong nước. Vì thế, khi chúng ta mở cửa MSCP trong CPTPP hay EVFTA thì cũng không khác nhiều so với việc lựa chọn nhà thầu quốc tế hiện nay. Còn những gói thầu xây lắp có quy mô nhỏ hơn, chúng ta có một quãng thời gian tương đối dài được phép sử dụng các biện pháp ưu đãi nhà thầu trong nước (offset).

“Trong thời kỳ quá độ này, chúng ta vẫn được sử dụng chính sách ưu đãi cho các nhà thầu xây lắp nếu như nhà thầu trong nước đảm nhận”, bà Hằng cho biết và khẳng định, về mặt ngắn hạn, Hiệp định với EU có cam kết về MSCP sẽ giúp chúng ta tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động mua sắm, đồng thời, góp phần giúp công tác mua sắm mua được nhiều hàng hóa chất lượng tốt. Về dài hạn, khoảng 20 năm sau, đương nhiên các nhà thầu trong nước cũng phải cạnh tranh lành mạnh với các nhà thầu EU. “Tôi tin rằng, lúc đó đất nước đã phát triển và năng lực của các nhà thầu nội đã khác so với hiện nay, nhà thầu Việt hoàn toàn có khả năng cạnh tranh”, bà Hằng nhận định.   

Chuyên đề