Lựa chọn đúng để đạt được mục tiêu và khát vọng

(BĐT) - Trao đổi tại Tọa đàm với Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng trước thềm Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2019 (VRDF 2019), các chuyên gia quốc tế cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ.
Các chuyên gia quốc tế thảo luận với Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng trước thềm VRDF 2019. Ảnh: Lê Tiên
Các chuyên gia quốc tế thảo luận với Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng trước thềm VRDF 2019. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, để tận dụng những cơ hội này, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Quan trọng hơn cả, Việt Nam cần lựa chọn đúng để đạt được mục tiêu và khát vọng thịnh vượng.

Làm gì để thoát bẫy thu nhập trung bình

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2030 là nước có nền tảng công nghiệp, mức thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại. Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam nhận diện được những khó khăn trước mắt sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu và thách thức là phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Chia sẻ về những khó khăn và thách thức này, ông K. Yogeesvaram, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và hàng hóa Malaysia cho biết, quốc gia này đã từng trải qua những giai đoạn phát triển như của Việt Nam. Malaysia đã mất 27 năm để chuyển từ quốc gia có mức thu nhập thấp sang mức thu nhập trung bình thấp và 23 năm để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao. Những thách thức mà Malaysia khi đó phải đối mặt là vấn đề tăng trưởng nhanh nhưng thu nhập giữa các vùng miền có sự chênh lệch, vấn đề đầu tư công nghệ, vấn đề kỹ năng, chất lượng của nguồn nhân lực.

Do đó, ông K. Yogeesvaram cho rằng, một trong những giải pháp để tránh bẫy thu nhập trung bình là đầu tư xứng đáng vào nguồn nhân lực, vào con người. Ngoài ra, cần xem xét sự cân đối giữa phát triển khu vực sản xuất và khu vực dịch vụ, giải quyết vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ kết quả tăng trưởng.

“Chúng ta phải giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn phải ở cấp ngành, cấp doanh nghiệp (DN); trong đó vấn đề nâng cao năng suất lao động ở cấp DN là thực chất nhất”, ông K. Yogeesvaram nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện Malaysia cho rằng, tập trung vào đổi mới sáng tạo là định hướng phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, Việt Nam không nên kỳ vọng vào việc tạo ra được “thời đại đổi mới sáng tạo mới” mà cần tiếp thu một cách thông minh những thành quả của đổi mới sáng tạo hiện có và cải tiến nó.

Tăng tính tích hợp của nền kinh tế

TS. Jan Rielander, Trưởng bộ phận Đánh giá quốc gia đa chiều của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cho rằng, nền kinh tế nếu không có những tương tác chặt chẽ giữa các bộ phận cấu thành thì sẽ không tạo ra nhiều cơ hội phát triển. Đơn cử, các quốc gia bị vướng sâu vào bẫy thu nhập trung bình là do chỉ hướng vào phát triển khu vực DN nhà nước, DN FDI mà quên đi mất khu vực tư nhân.

Do đó, TS. Jan Rielander khuyến nghị, nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới là nền kinh tế tích hợp, tăng khả năng liên kết giữa các bộ phận cấu thành.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright tại TP.HCM nhận định, nền kinh tế Việt Nam hiện thiếu tính tích hợp, thể hiện ở việc các khu vực kinh tế không có tính kết nối, các DN ở quy mô khác nhau không có tính kết nối, giữa các địa phương trong vùng cũng không tạo được sự liên kết tổng thế và cộng hưởng lẫn nhau. Thực tế này làm cho Việt Nam không tạo được năng lực nội tại để đứng vững trước những bất định của nền kinh tế thế giới được dự báo là chưa thể có hồi kết trong 10 năm tới.

Liên quan đến vấn đề này, ông K. Yogeesvaram cho rằng, việc kết nối các DN trong và ngoài nước cần được đánh giá cụ thể trong từng ngành nghề để xác định được mức độ liên kết trong ngành nào là yếu kém và cải thiện. Ông K. Yogeesvaram khuyến nghị, cần thu hút FDI vào những lĩnh vực có lợi cho đất nước, DN và người dân. Thậm chí việc thu hút cả những DN FDI nhỏ và vừa từ các quốc gia khác lại chính là cơ hội để DN Việt Nam và các DN FDI tăng được tính kết nối, cũng như giúp DN Việt trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhận định về sự thiếu liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là vấn đề thực tiễn đặt ra của nhiều quốc gia khi tiếp nhận FDI. Trong khuôn khổ của Diễn đàn Cải cách và Phát triển, Việt Nam mong muốn nhận được những phân tích, góp ý sâu hơn về nguyên nhân và những giải pháp hữu hiệu giúp Việt Nam cải thiện vấn đề này trong chặng đường sắp tới.

Chuyên đề