Lồng ghép chính sách hỗ trợ người yếu thế vào chiến lược phát triển: Không để ai bị bỏ lại phía sau

(BĐT) - Sáng 5/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã phát động sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”. Sự kiện này không chỉ là câu chuyện hỗ trợ cây gậy - “đôi mắt” cho người khiếm thị, mà Bộ KH&ĐT, cơ quan tham mưu về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục khẳng định quan điểm hoạch định chính sách phát triển bền vững, bao trùm, lấy người dân làm trọng tâm của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao gậy trắng cho người khiếm thị. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao gậy trắng cho người khiếm thị. Ảnh: Lê Tiên

Ngồi trên xe lăn, Phạm Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kym Việt - doanh nghiệp chuyên sáng tạo sản phẩm thủ công của người khuyết tật, tự tin chia sẻ: "Những sản phẩm của chúng tôi được làm ra bằng trí tuệ, tâm sức, từ những vật liệu của quê hương, mang đậm văn hóa dân tộc. Những sản phẩm đó đạt chất lượng, tiêu chuẩn Việt Nam". 

Trong góc nhìn của Phạm Việt Hoài, người khuyết tật chỉ bất tiện chứ không bất hạnh. Người khuyết tật vẫn có thể lao động, sáng tạo. Điều mà cộng đồng người khuyết tật nói riêng, người yếu thế nói chung cần nhất là những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điều kiện cho họ được cống hiến, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Những sản phẩm thủ công của Kym Việt cũng như của các nhóm yếu thế đã được Bộ KH&ĐT dùng làm quà tặng ngoại giao, giới thiệu với bạn bè quốc tế. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ, nếu cách làm này được nhân rộng trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ thì sẽ rất ý nghĩa, một số lượng lớn sản phẩm do người khuyết tật làm ra sẽ có đầu ra.

Đó chỉ là một trong nhiều hoạt động xã hội thiết thực mà Bộ KH&ĐT đã thực hiện trong thời gian qua để hỗ trợ cộng đồng người yếu thế. Xuất phát từ sự đồng cảm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng với tập thể Bộ KH&ĐT không chỉ muốn chia sẻ bớt khó khăn cho người khuyết tật, mà từ góc độ cơ quan tham mưu tổng hợp về kinh tế, kế hoạch đầu tư, Bộ trưởng muốn tiếp cận, hỗ trợ người khuyết tật một cách bền vững.

Cây gậy trắng là một loại gậy có chức năng đặc biệt dành riêng cho người khiếm thị, hỗ trợ để họ tham gia các hoạt động một cách thuận lợi, an toàn, cũng là biểu tượng cho sự chủ động của người khiếm thị. Sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” mang ý nghĩa thiết thực, nhân văn, không chỉ giúp người khiếm thị có phương tiện để hòa nhập mà còn tiếp thêm ý chí để họ vươn lên trong cuộc sống.

Ngay tại buổi lễ, Bộ KH&ĐT đã huy động được 14.200 cây gậy trắng từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và từ tập thể cán bộ của Bộ. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng, trong thời gian tới, Sáng kiến sẽ được nhân rộng, thu hút đủ nguồn lực để tất cả người khiếm thị đều được tặng gậy.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cả nước hiện có 24 triệu người thuộc nhóm yếu thế, trong đó có hơn 6 triệu người khuyết tật, riêng người mù và khiếm thị là 3 triệu người. “Đây thực sự là những con số đáng để chúng ta suy ngẫm. Rất nhiều người khuyết tật tài năng đang hàng ngày vượt lên số phận. Phải làm gì để người khuyết tật được tham gia thỏa sức sáng tạo, cống hiến? Phải làm gì để đảm bảo sự phát triển bao trùm và bền vững giữa phát triển kinh tế với xã hội?”, Bộ trưởng trăn trở. 

Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, “làm gì” ở đây không chỉ đơn thuần là nhân lên những hành vi ứng xử nhân văn, sự tử tế giữa con người với con  người, làm cho người khuyết tật tự tin hơn, có điều kiện sống tốt, mà còn phải thiết kế và thực thi các chính sách phát triển có tầm nhìn chiến lược, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm yếu thế, người khuyết tật.

“Chúng tôi luôn ý thức rằng người dân là trọng tâm của phát triển. Mọi chính sách phải hướng tới hạnh phúc của người dân, tạo điều kiện cho mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung, được tham gia, đóng góp, được thụ hưởng một cách công bằng những thành quả của quá trình phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Lấy ví dụ các công trình cao tầng phải có lối đi cho xe lăn, bảng điều khiển thang máy phải có chữ Braille (chữ nổi), lối đi bộ công cộng có lát đường dẫn cảm biến gậy cho người mù, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng một tỷ lệ nhất định người khuyết tật có khả năng lao động..., Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây không chỉ là cách ứng xử tử tế một cách tự giác của các tổ chức, cá nhân có liên quan, mà cần phải được quy định trong các văn bản chính sách để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, trước hết là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phải được lồng ghép trong các chiến lược phát triển đất nước, kế hoạch, chương trình của Nhà nước. Bộ KH&ĐT với quyết tâm đi đầu trong đổi mới và cải cách đã đề ra phương hướng hoạt động, tham mưu, hoạch định, thiết kế chính sách phát triển có tầm nhìn hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, tạo sinh kế bền vững, đồng hành và chia sẻ với những người yếu thế.

Chuyên đề