Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Loay hoay tìm cơ chế

(BĐT) - Là vùng kinh tế trọng điểm đầu tiên thực hiện thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng, tuy nhiên cho đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. 
Một số địa phương đề xuất lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên liên kết như phát triển kết cấu hạ tầng chung, lĩnh vực nông, thủy sản có thế mạnh... Ảnh: Lê Tiên
Một số địa phương đề xuất lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên liên kết như phát triển kết cấu hạ tầng chung, lĩnh vực nông, thủy sản có thế mạnh... Ảnh: Lê Tiên

Yêu cầu này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn về giải quyết xung đột trong quá trình phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Còn nhiều bất cập

Tính đến nay, ĐBSCL là 1 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước được lựa chọn thí điểm thực hiện Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng (Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Đến nay, toàn bộ 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và 3 bộ chuyên ngành (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải) đã hoàn thành đề xuất với tổng số 253 dự án liên kết vùng, trong đó, 200 dự án do các địa phương đề xuất và 53 dự án do các bộ đề xuất. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng danh mục dự án liên kết này chậm hơn so với dự kiến; việc liên kết về quy hoạch và kế hoạch còn mang tính hình thức, liên kết chuỗi còn ít, mô hình sản phẩm chủ lực chưa được xây dựng... Và thực tế chưa có dự án nào được triển khai.

Hiện có 22 quy hoạch cấp vùng tại ĐBSCL, nhưng các quy hoạch này được lập theo phạm vi không gian khác nhau, được lập riêng biệt, thiếu liên kết, không gắn với khả năng cân đối nguồn lực, chất lượng còn hạn chế nên thiếu tính khả thi, chưa phát huy được vai trò thúc đẩy liên kết và phối hợp trong vùng.

Theo ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các hoạt động liên kết chủ yếu mới dừng ở mức ký kết văn bản, kế hoạch. Hoạt động xúc tiến đầu tư chưa có sự phối hợp; cơ sở dữ liệu thông tin vùng kinh tế trọng điểm mới chỉ mang tính tập hợp, chưa thiết kế nhằm phục vụ liên kết. Liên kết về sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản còn hạn chế và liên kết tiểu vùng triển khai chưa đồng bộ...

Ông Tuấn chỉ ra 4 nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này, đó là chưa có ưu tiên về mục tiêu liên kết, cơ chế liên kết chưa rõ ràng, bộ máy điều phối liên kết vùng thiếu hiệu quả, thiếu nguồn lực tài chính cho liên kết. 

Xây dựng cơ chế liên kết chặt chẽ

Trong khi đó, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn như: tình trạng biến đổi khí hậu, xung đột trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước phát triển kinh tế, sự chồng chéo và thiếu hụt trong quy hoạch phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Trước những thách thức đó, liên kết và điều phối vùng hiệu quả là nền tảng có tính quyết định đối với sự phát triển hài hòa và bền vững của vùng.

Để thúc đẩy liên kết vùng trong thời gian tới, Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, cần xây dựng cơ chế liên kết với những mục tiêu rõ ràng và dựa vào một số nguyên tắc cơ bản như: đảm bảo hài hòa lợi ích và nhu cầu giữa các bên liên quan khi tham gia liên kết vùng; đảm bảo tính dân chủ trong đàm phán và thỏa thuận liên kết; ưu tiên thực hiện những hoạt động hay lĩnh vực liên kết nhận được sự đồng thuận cao; đảm bảo tính tuân thủ nghiêm quy hoạch vùng, tránh mâu thuẫn và chồng chéo trong quy hoạch, kế hoạch và thực hiện các chương trình, dự án phát triển vùng.

Tuy nhiên, một số ý kiến từ địa phương cho rằng, cần xây dựng lộ trình thực hiện liên kết. Trước mắt, cần lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên liên kết như phát triển kết cấu hạ tầng chung, lĩnh vực nông, thủy sản có thế mạnh...

Để thống nhất “tiếng nói” chung, Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đề xuất thành lập Ủy ban Điều phối liên kết vùng ĐBSCL. Về cơ cấu của Ủy ban, Chủ tịch là một Phó Thủ tướng Chính phủ; 2 Phó Chủ tịch là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một lãnh đạo địa phương (thông qua bỏ phiếu); 13 thành viên là đại diện của 13 địa phương trong vùng và đại diện các bộ, ngành liên quan. Các địa phương cũng mong muốn rằng, Ủy ban phải duy trì hoạt động thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề phát sinh, xung đột, tạo động lực khuyến khích các bên liên kết.

Về nguồn lực tài chính cho liên kết, nhiều ý kiến đề xuất, nên thực hiện theo cơ chế góp vốn của ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ của Trung ương và huy động những nguồn lực ngoài ngân sách như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, doanh nghiệp.

Chuyên đề