Làng tỷ phú… tiết kiệm

(BĐT) - Ngày Tết cận kề, ngược cơn gió Đông thốc đến rát mặt, tôi tìm về làng tỷ phú Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc). 
Tính tiết kiệm đã nhanh chóng đưa người dân nghèo Tề Lỗ nhanh chóng thành một trong những làng quê giàu có. Ảnh: Song Nguyên
Tính tiết kiệm đã nhanh chóng đưa người dân nghèo Tề Lỗ nhanh chóng thành một trong những làng quê giàu có. Ảnh: Song Nguyên

Dọc Quốc lộ 2 bụi mù, dân tình đã râm ran với chuyện sắm Tết, lo Tết. Nhưng khi bước chân vào làng Tề Lỗ, tôi thấy cái Tết vẫn chưa đến đây vì cả làng còn đang mải mê kiếm tiền, lo làm giàu với bản tính tiết kiệm đã ăn sâu trong máu thịt. Về Tề Lỗ mới thấm cái câu "giàu ham việc, thất nghiệp ham chơi" của các cụ là đúng và nghiệm ra một điều, chẳng phải tự nhiên cái đất Tề Lỗ lại lắm tỷ phú như vậy.

Làm kiểu tỷ phú, tiêu kiểu nông dân

Tề Lỗ khoảng 30 năm về trước vốn là xã nghèo, không tên, không tuổi. Người ta biết đến Tề Lỗ bởi đất này nghèo, người dân chỉ thuần một nghề buôn lông gà, lông vịt. Ấy vậy mà 30 năm sau, chỉ với nghề "mổ xe" (nghĩa là mua xe ô tô cũ các loại về tháo dỡ, lắp ráp và bán lại) mà dân Tề Lỗ đã "rũ bùn đứng dậy". Ngày nay, khắp trong Nam ngoài Bắc, khi nói đến Tề Lỗ, những tỷ phú, những thương gia đều tặc lưỡi với một câu: “Dân ấy giỏi và giàu”. Cũng chỉ sau 30 năm, Tề Lỗ đã được thế gian gắn cho cái biệt danh “Làng tỷ phú”.

Đến Tề Lỗ, ngoài những chuyện gai người và cũng đầy hấp dẫn về nghề “mổ xe” người ta còn bị "ám ảnh" bởi hai chữ: Tiết kiệm. Ngày còn lang thang, làm báo nghiệp dư, trong những cuộc kiếm tìm thông tin để bán cho các báo tôi đã tới Tề Lỗ nhiều lần. Ở xã tôi cũng có quen với nhiều người nhưng có lẽ thân nhất là một tỷ phú họ Đào. Ngoài một quá khứ khổ hạnh, sự nhanh nhạy về kiếm tìm và "luộc", "nấu" xe ô tô các loại tôi còn bị "ấn tượng" về cái tính tiết kiệm của anh. Có xe bạc tỷ, có nhà vài tỷ nhưng đố thiên hạ moi được từ hầu bao của anh một đồng cho sự tiêu xài theo cách gọi là vô cớ của anh.

Làm quen với anh nhưng có hai chuyện tôi ghi lòng là chuyện đi lấy tiền hàng và đến nhà anh ăn Tết. Một lần rỗi việc, tôi đi đòi tiền với anh. Đến nhà chủ, sau một hồi anh quay ra, mặt mũi đỏ gay bảo tôi: “Bố nhà nó, có 200 nghìn mà nó đòi bớt của mình”. 200 nghìn lúc đó được 2 yến gạo ngon, lại thấy anh giàu nên tôi bảo anh: “Sao không cho họ, mất thời gian làm gì?”. Nghe câu ấy anh quay ra vặc tôi: “Đó là tiền xương máu, thức đêm dậy hôm của tôi. Họ xin thì tôi cho chứ không thì phải đòi bằng được”.

Chuyện nữa là lần được lời mời của anh, tôi quyết định lên nhà anh ăn Tết. Tưởng ăn Tết ở nhà tỷ phú sẽ oai và sang lắm nhưng cơm nước nhà anh vẫn bình thường đến 29 Tết. Chiều ấy vợ anh đi chợ, bánh chưng đã gửi gói, chỉ mua lấy cành đào, ít bánh trái, cây giò và vài cân thịt. Tôi lên tiếng giễu là cả năm trời có một lần, tiền tỷ có rồi, không tiêu để làm gì? Tết nhất cũng phải tươm tươm cho thiên hạ biết chứ. Không nề hà anh giãi bày: “Dân mình chỉ có cái “lo dồn đói góp”. Cơ chế thị trường, chợ mở từ mùng hai Tết tội gì phải mua về cho ôi thiu. Mới lại ăn hôm nay phải nghĩ đến ngày mai chứ”. Làm kiểu tỷ phú, tiêu kiểu nông dân, tôi ngẫm thấy không chỉ ở cái nhà anh họ Đào này mà nó đã trở thành một đặc tính của dân Tề Lỗ.

Nghề “mổ xe” đã đem lại cho Tề Lỗ những triệu phú, tỷ phú nhưng không phải như vậy mà họ sẽ phung phí

Quán triệt tiết kiệm

Tề Lỗ hiện tại có 1.500 hộ thì đã có gần 300 hộ làm nghề "mổ xe" và cả xã có khoảng 300 bãi “mổ” ô tô các loại. Một xã như vậy mà đã có gần 1/2 các hộ sắm được xe hơi. Riêng dòng xe sành điệu từ 500 triệu trở lên đã có cả trăm chiếc. Có tháng, 10 chiếc xe hơi sang trọng cỡ tiền tỷ trở lên đã được người trong xã mua về. Trong căn nhà thường thường bậc trung nhưng đầy đủ tiện nghi, khi tôi đặt vấn đề, ông Nguyễn Ngọc Thông, Phó Chủ tịch xã bảo: “Viết về sự tiết kiệm của dân Tề Lỗ là chúng tôi ủng hộ. Đó là bản tính của dân chúng tôi rồi! Anh bảo đi từ nghề lông gà, lông vịt đi lên không tiết kiệm không chắt chiu thì giàu sao được. Xưa nay, thấy dân Tề Lỗ chúng tôi mua ô tô thiên hạ cứ bảo chúng tôi ăn chơi, có tiền là ra oai nhưng thực ra đó không phải là bản chất. Nói thật, nếu về tiềm lực kinh tế thì gần như cả xã chúng tôi người dân có thể mua ô tô nhưng họ không làm như vậy. Những nhà hiện tại có ô tô là họ phải quan hệ, phải đi làm ăn xa nên phải mua cho có phương tiện đi lại. Quan điểm của chúng tôi là tiền phải "đẻ" ra tiền chứ tiền không dùng cho việc ăn chơi phí phạm”.

Lá dong đã được các chuyến xe chở tấp nập từ miền ngược về, đào, quất, hoa cũng đã được những người chơi Tết sớm mua về, trên vài khu phố ở Hà Nội đã diễn ra những trò chọi gà, nhậu nhẹt vui xuân nhưng ở Tề Lỗ này cái Tết còn chưa thấy tăm hơi. Tiết kiệm từ cuộc sống thường nhật đến cả khi Tết đến xuân về đã làm cho vùng quê vốn được mệnh danh là nghèo nhất tỉnh (14% hộ đói nghèo, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/năm) trở mình thành làng tỷ phú, không còn một hộ nghèo nào.

Đến Tề Lỗ vào những ngày giáp Tết này tôi cũng đã qua nhà anh Đinh Đình Tú - người được coi là đi tiên phong của làng nghề. Ngày xưa, một thúng bánh mỳ đội đầu anh bám theo các chuyến tàu ngược Lào Cai, Yên Bái để bán dạo kiếm từng cắc bạc nuôi vợ con. Sau học được nghề "mổ xe" và chỉ hơn 10 năm anh đã là ông chủ của một con xe bạc tỷ, một ngôi nhà 3 tầng cũng gấp như thế vài lần tiền. Ngày Tết đến chẳng còn bao xa nhưng “đại gia” bạc tỷ này vẫn còn lăn lê, bò toài với xe cộ và dầu mỡ và chỉ đạo người làm công.

Lựa lúc anh rỗi việc, tôi đùa: “Con cái lớn, nhà cửa đề huề, xe cộ đủ đầy rồi nhân cái Tết đầu tiên nước mình gia nhập TPP anh có vung tay một tý không? Có làm chai rượu Tây về cúng các cụ không?”. Chẳng nề hà anh bộc bạch: “Người khôn của khó, phung phí sao được. Rượu Tây đắt, uống cũng chẳng ra gì, nó chỉ hợp với người "sành điệu" và tiêu tiền chùa thôi. Tết nhất cứ rượu nút lá chuối, nghỉ mấy ngày, có nén hương tưởng nhớ các cụ, đưa vợ con đi chúc Tết thế là xong. Tiền dân chúng tôi kiếm được là do mồ hôi nước mắt của mình nên phải tiêu pha cho nó hợp lý anh ạ!”.

Lần này ghé chơi, tôi cũng được gặp Chủ tịch xã tỷ phú này. Cứ ngỡ đồng chí này phải rất phong lưu và chịu chơi, nhưng ông Trần Gia Bằng lại là người giản dị và khá điềm đạm. Bàn chuyện Tết, ông bảo, quan điểm tiết kiệm lúc nào cũng được xã quán triệt. Không cần phải băng zôn, khẩu hiệu thì dân Tề Lỗ cũng đã tiết kiệm rồi. Có xui người ta cũng chẳng dại mà phung phí trong ngày lễ, Tết đâu. Tết này, theo ông, để đón xuân riêng nhà ông cũng đã tự cung tự cấp gần đủ. Quất nhà trồng được, gạo nếp, thịt gà, rau cỏ đã tự cấy tự nuôi, tự trồng. Chỉ còn mấy thứ như vàng, hương không làm được là phải mua thôi. Có gọi là để tưởng nhớ ngày Tết cổ truyền của dân tộc, no say phè phỡn làm gì?

Bản tính cần cù, tiết kiệm của người dân đã đưa Tề Lỗ đứng đầu tỉnh về y tế, giáo dục. Từ một xã nghèo, với cái câu mỉa mai của người đời "Tề Lỗ khố chẳng có dùng" người dân ở đây đã giàu có thực sự, đi lên bằng khả năng, bằng mồ hôi nước mắt của mình. Trên đường trở về, ngắm dòng người tất bật đi sắm Tết, trong tôi chợt hiện lên nhiều suy nghĩ.

Chuyên đề