Lan tỏa thông điệp “kiến tạo” của Chính phủ

(BĐT) - Việc người đứng đầu và các thành viên của Chính phủ đưa ra các chỉ đạo kịp thời, sâu sát đối với những vấn đề “nóng bỏng” mà báo chí phản ánh trong thời gian gần đây cho thấy sự quan tâm, đánh giá cao của các cấp lãnh đạo đối với báo chí và những người làm báo ở nước ta, trong đó có Báo Đấu thầu.
Nhiều vấn đề Báo Đấu thầu phản ánh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều vấn đề Báo Đấu thầu phản ánh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ. Ảnh: Nhã Chi

Chỉ đạo sâu sát và kịp thời

Thời gian qua, không chỉ giới báo chí, mà dư luận xã hội hết sức vui mừng bởi nhiều vụ việc “nóng bỏng” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng liên tục có những chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải kiểm tra, báo cáo, xử lý xuất phát từ các thông tin trên báo chí. Sự quan tâm, chỉ đạo xử lý của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ là hết sức sâu sát và kịp thời, gần như không có vụ việc nào “xôn xao” dư luận mà bị bỏ qua, từ những vụ việc, con người cụ thể đến những vấn đề vĩ mô, trọng yếu của đất nước. Thậm chí, có những việc như đấu thầu Gói thầu Cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh và các thiết bị hỗ trợ có giá 240 tỷ đồng của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các bộ, ngành liên quan làm rõ quá trình đấu thầu gói thầu này, giải quyết triệt để khiếu nại và chấm dứt câu chuyện kiến nghị “dài kỳ” của Công ty CP Đầu tư y tế Việt Mỹ.

Là một tờ báo kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hoạt động chuyên sâu về đấu thầu, đăng tải tập trung, công khai và chính thống các thông tin về hoạt động đấu thầu trong cả nước, nhiều vấn đề Báo Đấu thầu phản ánh cũng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ. Chẳng hạn, ngay sau khi Báo Đấu thầu đăng tải bài viết “Logistics Việt vẫn làm thuê trên sân nhà” ngày 18/9/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay sau đó đã có văn bản giao Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu kiến nghị tại bài báo của Báo Đấu thầu để xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng những nội dung vượt thẩm quyền. Sau đó, vào tháng 11/2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung Báo Đấu thầu phản ánh qua bài viết: "Thị trường đất đai tại Việt Nam vẫn thiếu năng động"… Nhiều bài viết khác của Báo Đấu thầu phản ánh về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi và quản lý đất đai… cũng nhận được sự quan tâm và có sự chỉ đạo kịp thời của các thành viên Chính phủ đối với những nội dung mà Báo nêu.

Đặc biệt, trong lĩnh vực đấu thầu – nội dung trọng yếu và then chốt của Báo Đấu thầu, tại Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu công khai đường dây nóng của Báo Đấu thầu theo số điện thoại 0243.768.6611 khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu để nhà thầu có thể phản ánh kịp thời về các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.  

Tạo động lực và “truyền lửa” cho bộ máy

Từ đầu nhiệm kỳ mới, Chính phủ đã đặt mục tiêu trở thành một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều chính sách, giải pháp thiết thực và những hành động quyết liệt đã và đang được triển khai. Những kết quả được thể hiện qua các con số: môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc lên 68/190 nền kinh tế trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2017 đạt trên 125.000 doanh nghiệp, Chính phủ thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn… cho thấy hành động và chủ trương xây dựng Chính phủ “kiến tạo” đã thực sự trở thành động lực để mở ra một giai đoạn tăng trưởng, phát triển mới cho đất nước.
Trong vòng 2 năm qua, sự chuyển động mạnh mẽ của Chính phủ, những thông điệp tích cực mà người dân và xã hội nhận được từ phát ngôn, hành động cũng như cách giải quyết vấn đề của Thủ tướng Chính phủ là điều mà bất cứ ai cũng có thể nhận thấy và cảm nhận rõ ràng. Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ phản ứng kịp thời trước các vấn đề báo chí nêu là một biểu hiện cao của một nền hành chính phục vụ, bởi báo chí là một kênh phản ánh thực tế đời sống, kinh tế, xã hội, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ phản ánh của báo chí, những nhà lãnh đạo, những người quản lý được cung cấp thêm thông tin, được tham mưu về những phần việc mà mình đang lãnh đạo, quản lý, nhờ đó có thêm cơ sở để đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời. Xã hội vẫn luôn đề cao, tôn vinh vai trò của báo chí trên mặt trận thông tin, làm công tác tư tưởng, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, sai trái, suy thoái, tham nhũng...

Tuy nhiên, có một thực tế là không phải lúc nào, vấn đề nào báo chí nêu cũng được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng quan tâm, trả lời kịp thời, cung cấp các thông tin liên quan.

Trên thực tế, có không ít những vụ việc mà báo chí tuy tích cực phản ánh song vẫn bị lờ đi, lảng tránh, để mặc cho rơi vào im lặng; các cơ quan liên quan trực tiếp khi trả lời thì qua loa, đại khái, rất thiếu trách nhiệm. Thái độ im lặng ấy đáng sợ ở chỗ, đó là biểu hiện của sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, thách thức dư luận, thậm chí là dung túng cho cái xấu. Mặc dù vậy, sự việc không vì thế mà bị dư luận quên đi. Ngược lại, nó sẽ gây nghi ngờ, gây nản lòng, sẽ tích tụ bức xúc, tạo dấu ấn tiêu cực trong tâm lý xã hội và cũng từ đó kẻ xấu dễ xuyên tạc, kích động.

Sự vào cuộc kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về các vấn đề báo chí quan tâm thực sự là một tín hiệu rất tích cực. Chắc chắn các việc đã được điểm mặt, chỉ tên sẽ nhanh chóng được xử lý. Và hy vọng, sự vào cuộc của lãnh đạo cấp cao sẽ tạo động lực lớn, là sự thúc giục các cấp quản lý bên dưới phải quan tâm, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Khi ngọn lửa nhiệt tình, trách nhiệm được truyền động, cả hệ thống quản lý vào cuộc quyết liệt thì các vấn đề nảy sinh trong xã hội mới được giải quyết kịp thời, thấu đáo.

Tuy nhiên, sẽ thật tuyệt vời hơn, nếu như tất cả các bộ, ngành, địa phương cũng đều quan tâm đến vấn đề báo chí nêu. Vì cấp cơ sở mới là nơi có trách nhiệm trực tiếp, dễ nắm thông tin. Giá như ở mỗi cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương đều có mục trả lời báo chí, phản hồi báo chí, thì sẽ tạo ra một hiệu quả cộng hưởng, sẽ có nhiều vụ việc được báo chí, dư luận quan tâm được trả lời kịp thời hơn. Để từ đó, việc nào báo chí nêu đúng thì kiểm điểm, khắc phục ngay những sai sót, hoặc nghiên cứu thực hiện sớm các đề xuất, kiến nghị của báo chí; việc nào báo chí nêu chưa đúng thì phản hồi để báo chí thông tin lại, đính chính thông tin sai để dư luận hiểu đúng, tránh gây hoang mang, tránh tích tụ bức xúc.

Chuyên đề