Làm báo, viết báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(BĐT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chủ tịch chỉ rõ: Nhà báo trước hết là một người công dân bình đẳng trước pháp luật, không được phép cho mình đứng cao hơn pháp luật, đứng cao hơn mọi người để phán xét. Nhà báo phải luôn tâm niệm mục tiêu phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam là một nhà báo lỗi lạc. Đã có không ít tư liệu và công trình nghiên cứu về Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đề cập đến phong cách viết báo và làm báo của Bác, nhưng đã cả thế kỷ qua, chuyện học và làm theo phong cách viết báo của Người vẫn rất thời sự với mỗi nhà báo và cơ quan báo chí. Kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), một lần nữa xin được ôn lại phong cách làm báo của Bác.

Ngay từ những ngày đầu bước vào con đường hoạt động cách mạng, Bác đã nhận ra vai trò vô cùng to lớn của báo chí. Từ đó, báo chí luôn đồng hành với Người trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Từ bài báo đầu tiên của Người mang tên “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanitê tại Pháp ngày 2/8/1919, đến bài báo cuối cùng Người viết có tựa đề “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/6/1969, Bác đã có tròn 6 thập kỷ là một người làm báo với khoảng 2.000 tác phẩm báo chí các thể loại. Sự nghiệp báo chí của Người là kết tinh tất cả những phẩm chất và giá trị cao quý nhất.               

Những phẩm chất của người làm báo cách mạng

Sinh thời, Hồ Chủ tịch thường tâm niệm, nhân tố con người chính là điều kiện tiên quyết để có đội ngũ những người làm báo đủ sức gánh vác sứ mệnh mà đất nước và nhân dân giao phó. Bác khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí”, những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng của Đảng ta với vũ khí sắc bén là cây bút, trang giấy biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Bởi vậy, tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II, năm 1959, Bác đã nhấn mạnh: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ”. Đã là người làm báo cách mạng, nhất định phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu; phải xác định thật rõ mục đích cao quý của nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn.

Hiểu rõ nghề báo là một nghề chuyên môn đặc thù, là sự kết hợp của nhiều phẩm chất riêng có, đồng thời nghề báo là nghề phát huy những giá trị sáng tạo nên Bác luôn căn dặn người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện: “Phải luôn có tinh thần học hỏi, tránh tư tưởng cá nhân, ích kỷ, cho bài mình là tuyệt rồi”. Lao động của nhà báo góp phần làm nên tác phẩm báo chí cũng như thương hiệu của nhà báo nên rất dễ là “mảnh đất” để chủ nghĩa cá nhân vị kỷ nảy sinh nên Người khẳng định, nhà báo phải thấy việc gì làm có ích cho dân, cho cách mạng đều là vẻ vang, người làm báo phải loại bỏ tư tưởng muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn và “cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Chọn báo chí là vũ khí đấu tranh sắc bén từ những ngày đầu tiên hoạt động cách mạng, Bác hiểu báo chí chỉ có thể thuyết phục độc giả và công chúng khi phản ánh được sự thật khách quan. Bởi vậy, nhà báo không được phép cho mình đứng cao hơn tất cả để phán xử và “dạy bảo” người khác mà trước hết phải là một người công dân bình đẳng với tất cả mọi người trước pháp luật, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp. Giản dị nhưng dễ hiểu, Hồ Chủ tịch yêu cầu mỗi nhà báo, cơ quan báo chí phải thấm nhuần nguyên tắc: “Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước”.

Rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh

Một trong những tư tưởng nổi bật của Hồ Chủ tịch về báo chí cách mạng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự đó là phải lựa chọn cách viết báo, làm báo ngắn gọn, dễ hiểu. Người luôn cho rằng, viết ngắn nhất và chuyển tải được nhiều thông tin nhất có thể đến độc giả mới là nhà báo có phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn tốt.

Bác từng chỉ rõ những căn bệnh mà một số nhà báo thường mắc phải, đó là: Dài dòng, rỗng tuếch; Có thói cầu kì; Khô khan lúng túng; Báo cáo lông bông; Lụp chụp, cẩu thả; Bệnh theo sáo cũ; Nói không ai hiểu; Bệnh hay nói chữ. Bác yêu cầu đội ngũ những người làm báo Việt Nam phải luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu; Khi viết khi nói phải luôn luôn làm thế nào để cho ai cũng hiểu được, viết cô đọng, súc tích để quần chúng, độc giả hiểu và tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. “Ngòi bút các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”, “nhà báo viết phải đúng sự thật”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.

Hãy cùng đọc lại bài báo Người viết nhân ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đăng trên báo Cứu Quốc số 147, ngày 21/1/1946 để thấy rõ hơn phong cách của Hồ Chủ tịch:

TẾT
Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn Tết mừng Xuân.
Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với:
Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận
Những gia quyến các chiến sĩ,
Những đồng bào nghèo nàn,
Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui và Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Một bài báo đúng 100 chữ nhưng đã chuyển tải được tất cả những nội dung cần gửi đến quốc dân, đồng bào của người đứng đầu quốc gia vừa giành được độc lập. Đây cũng là ví dụ sinh động nhất của phong cách làm báo, viết báo của Bác Hồ - một nhà báo chính luận sắc sảo đã gặt hái rất nhiều thành công trên bình diện quốc tế.

Kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam giữa lúc toàn Đảng, toàn dân ta đang không ngừng thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW ngày 14/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với mỗi người làm báo hôm nay, học và làm theo Bác thiết thực nhất chính là học cách làm báo, viết báo của Người. Thực tế hoạt động hơn 92 năm của báo chí Việt Nam đã cho thấy những bài học sâu sắc: Những người làm báo tự đánh mất mình vì ảo tưởng, vì lợi ích, vì chủ nghĩa cá nhân, đi ngược với lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của độc giả, sớm muộn gì cũng bị bóc trần, bị độc giả quay lưng, thậm chí là đón nhận những bài học thích đáng. Ngược lại, những tờ báo, nhà báo luôn đặt quyền lợi và nghĩa vụ của mình dưới quyền lợi của dân tộc và đất nước, lấy sự nghiệp cách mạng và sự tiến bộ xã hội của đất nước làm mục tiêu phụng sự sẽ luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả và nhân dân.                                    

Chuyên đề