Ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Eu: “Khai thông tuyến cao tốc hướng Tây”

(BĐT) - Châu Âu là một trong những thị trường rộng lớn, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, khởi nguồn cho những sản phẩm công nghệ hàng đầu trên thế giới, trung tâm khai sinh các chuỗi giá trị toàn cầu… 

Do đó, sự kiện Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ký kết Hiệp định thương mại tự do vào ngày 30/6 được xem là cú huých “khai thông tuyến cao tốc hướng Tây để kết nối nền kinh tế Việt Nam với trung tâm kinh tế - khoa học hàng đầu thế giới”.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cơ hội mang tính tích hợp

Đây là một tin vui với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam bởi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) là hiệp định kinh tế toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho các bên.

Bộ Công Thương cho rằng, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, Hiệp định tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu (XK) cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ… EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng XK của Việt Nam.

Một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đánh giá, EVFTA sẽ giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).

Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ… dự báo sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đánh giá, những cam kết về quản trị nhà nước sẽ đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư của cả hai bên nói chung và các DN, nhà đầu tư từ EU nói riêng...

Trao đổi với Báo Đấu thầu bên lề Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ 2019 ngày 26/6, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - người trực tiếp tham gia vào hành trình thúc đẩy, vận động thông qua Hiệp định cho rằng: “EVFTA được ký kết như là khai thông được tuyến đường cao tốc hướng Tây để kết nối nền kinh tế Việt Nam với trung tâm kinh tế - khoa học hàng đầu thế giới”.

Nhìn về cơ hội, ông Lộc cho rằng, EVFTA được ký kết thì việc tăng gấp đôi, gấp ba kim ngạch XK sang thị trường châu Âu trong tương lai là hoàn toàn có thể đạt được. Thậm chí, bên cạnh đẩy mạnh XK, Việt Nam còn có cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng từ châu Âu. Đây cũng là cơ hội, là áp lực thúc đẩy cải cách thể chế trong nước nhằm vươn tới những tầm cao mới.

Thách thức là không nhỏ

Dẫu EVFTA có thể tạo ra một thị trường rộng lớn hơn cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, song đại diện VCCI không giấu những mối lo. Theo ông Lộc, xét về số lượng DN (bao gồm cả DN đăng ký theo Luật DN, hộ kinh doanh) thì Việt Nam không quá ít các thực thể kinh doanh so với các nền kinh tế khác trên thế giới. Tuy nhiên, xét về chất lượng thì đó là vấn đề.

“Khu vực tư nhân đóng góp 40% GDP, nhưng có tới 30% đóng góp bởi hộ kinh doanh, mà chủ yếu hộ kinh doanh lại chưa đảm bảo sự minh bạch, chưa tiếp cận được những chuẩn mực quản trị hiện đại của thế giới… nên hiệu quả hoạt động không cao. Vì thế, việc nâng cấp hoạt động của các DN Việt Nam là yêu cầu rất cấp bách, bao gồm cả khu vực đăng ký theo luật DN và hộ kinh doanh”, ông Lộc nói.

Kết quả khảo sát về năng lực quản trị của DN niêm yết hàng đầu thuộc 6 nước ASEAN công bố vừa qua cho thấy, năng lực quản trị của các DN niêm yết Việt Nam đang “đội sổ”…

Đâu là giải pháp nâng cấp các DN, nắm lấy cơ hội từ EVFTA? Nêu giải pháp cho vấn đề này, ông Lộc nhấn mạnh: “Trước tiên phải nâng cấp sự minh bạch của DN”. Cụ thể, khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN phải đưa hộ kinh doanh vào diện điều chỉnh của Luật DN nhưng không khoác thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ để hoạt động kinh doanh của họ đơn giản, dễ thở và nhất là minh bạch hơn…

Về góc độ thể chế, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, lợi ích từ các FTA không phải là điều hiển nhiên, mà phụ thuộc rất nhiều vào đổi mới thể chế và chính sách nhằm biến các thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành các lợi ích thực sự.

Chuyên đề