Kinh tế Việt Nam: Những con số biết nói

(BĐT) - Nền kinh tế Việt Nam dường như được “tôi luyện” qua hành trình vượt khó để hoàn thành những mục tiêu của năm 2017. Khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế đã được nâng lên, giúp tạo nền tảng, kinh nghiệm tốt để tiếp tục vượt qua những khó khăn trước mắt và trung, dài hạn. Đó là một thành công lớn, nằm ngoài sự đo đếm về con số.
Bộ Công Thương dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 có thể đạt khoảng 200 tỷ USD, cao hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 188 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Công Thương dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 có thể đạt khoảng 200 tỷ USD, cao hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 188 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Những con số ấn tượng

Con số ấn tượng đầu tiên phải kể đến xuất khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016. Xuất siêu 10 tháng được 1,23 tỷ USD. Với đà này, Bộ Công Thương dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 có thể đạt khoảng 200 tỷ USD, cao hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 188 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với mức thực hiện năm 2016 và cũng là mức kỷ lục từ trước đến nay.

Tiếp theo là con số thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 10 tháng qua, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 28,24 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến ngày 20/10/2017, các dự án FDI đã giải ngân được 14,2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, nguồn vốn FDI đổ mạnh nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn 13,75 tỷ USD, chiếm 48,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới cũng là một kỷ lục, cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN đã phát huy tác động tích cực. 105.125 DN được đăng ký thành lập mới trong 10 tháng, gần bằng con số kỷ lục của năm 2016 (hơn 110.000 DN). Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT nhận định, khả năng số DN thành lập mới năm 2017 có thể lên tới trên 120.000 DN, thậm chí vượt xa con số này. Không những tăng về lượng, quy mô vốn đăng ký của các DN đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng cao. Du lịch đạt con số hết sức ấn tượng với hơn 10,4 triệu lượt khách trong 10 tháng và dự báo cả năm có thể đạt 13 triệu lượt khách quốc tế - một con số mà trước đó nhiều người chưa dám nghĩ tới. Nông nghiệp dù chịu nhiều tác động của thời tiết nhưng đã đạt mức tăng trưởng dương, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng. 

Và những kết quả ngoài con số

Những con số ấn tượng cho thấy những chuyển động thực tế của nền kinh tế sau 10 tháng của năm 2017. Đó là kết quả đạt được từ rất nhiều chỉ đạo, hành động thực chất, hiệu quả xuyên suốt từ đầu năm đến nay, xa hơn một chút, là từ khi Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới giữa năm 2016.

Năm 2017, kinh tế thế giới phục hồi, thương mại toàn cầu tăng đã tác động mạnh tới một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Mặt khác, nội tại nền kinh tế cũng đã có rất nhiều chuyển biến tích cực. Chưa năm nào, chỉ đạo của Chính phủ đi vào từng ngành hàng, từng sản phẩm, từng lĩnh vực, từng địa phương, địa bàn, tổ chức nhiều đoàn làm việc thực tế, giải quyết kịp thời ách tắc, khó khăn.

Cùng với đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng DN, người dân đã chung tay hiện thực hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tạo nên sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn thách thức. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, bài học lớn nhất từ năm nay là dù khó khăn thách thức thế nào nhưng có giải pháp đúng đắn, chỉ đạo kịp thời, chính xác, điều hành quyết liệt thì sẽ vượt qua được.

Cũng phải kể đến sự thay đổi trong tư duy, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cán bộ công chức đã không còn thái độ vô cảm như trước, mà đã theo hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, vì người dân, DN, lấy đó là chủ thể phục vụ. Đây là sự thay đổi rất lớn, thể hiện rõ qua việc giảm chi phí, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… 

Hơn 2/3 chặng đường của nền kinh tế 2017 đã qua, những con số kinh tế ấn tượng đạt được cho thấy niềm tin của người dân, của DN cả trong và ngoài nước đang ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cố hữu của nền kinh tế chưa được giải quyết, đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Chính phủ xác định rõ chặng đường phía trước sẽ còn nhiều khó khăn và đã đưa ra nhiều giải pháp cho năm 2018, cũng như trung, dài hạn. Niềm tin mạnh mẽ là một năm vượt khó sẽ giúp có nhiều bài học, nhiều nền tảng tốt cho giai đoạn tới.

Chuyên đề