Kinh tế nền tảng trong CMCN 4.0: Tính ưu việt và những thách thức

(BĐT) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0  (CMCN 4.0) ra đời ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nó cũng mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế và văn hóa. Tại Việt Nam, cuộc CMCN 4.0 được nhìn nhận như là một cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội. Cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp của kết nối, của khoa học và công nghệ, của đổi mới sáng tạo.
Không đầu tư vào bất động sản, nhưng Airbnb sở hữu một hệ thống đặt phòng có 300 triệu người dùng ở 191 quốc gia
Không đầu tư vào bất động sản, nhưng Airbnb sở hữu một hệ thống đặt phòng có 300 triệu người dùng ở 191 quốc gia

Kinh tế nền tảng là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, trong đó công nghệ được sử dụng để kết nối con người, tổ chức và tài nguyên trong một hệ sinh thái có sự tương tác để tạo ra và trao đổi lượng giá trị đáng kinh ngạc. Mô hình kinh doanh mang tính đột phá này đã làm thay đổi hoàn toàn cách vận hành của doanh nghiệp cũng như xã hội. Bất kỳ doanh nghiệp nào có khả năng cung cấp được thông tin về thị trường (giá cả, cung - cầu, hành vi người dùng) và xu hướng của thị trường thì đều tạo ra sức mạnh cho nền tảng.

Trong hơn một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của kinh tế nền tảng trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, mạng xã hội, hàng tiêu dùng, giáo dục, năng lượng, tài chính, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cung ứng lao động, dịch vụ hậu cần và giao hàng, phương tiện truyền thông, bán lẻ cho đến vận tải và du lịch. 

Tính ưu việt của kinh tế nền tảng

Những đánh giá ban đầu về kinh tế nền tảng là khá tích cực. Các nền tảng được cho là có thể giúp cải thiện năng suất, giảm chi phí kinh doanh, giảm các khâu thiếu hiệu quả của các mô hình kinh doanh hiện tại, tạo ra các nhu cầu mới, thị trường mới, gia tăng sự linh hoạt, cũng như tăng khả năng tiếp cận thị trường cho người lao động và doanh nghiệp.

Nền tảng khiến cho việc giao dịch được thuận lợi hơn với việc xóa bỏ các rào cản về không gian và thời gian, do đó, giúp kết nối giữa nhà cung cấp và khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác. Ví dụ, trước kia, mỗi khi giao dịch, người dùng phải trải qua thủ tục đặt phòng và hệ thống thanh toán phức tạp. Nay khách hàng chỉ mất không đến vài phút để làm việc này. Tương tự với việc đặt xe, chỉ cần vài cú click, người dùng đã có thể kết nối ngay được với nhà cung cấp.

Nền tảng giúp tiết kiệm nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất và chi phí vận hành cố định. Đến nay, tuy không đầu tư vào bất động sản, nhưng Airbnb sở hữu một hệ thống đặt phòng có 300 triệu người dùng, hoạt động tại  191 quốc gia với 5 triệu tài sản (từ quy mô nhỏ, rẻ tiền đến phòng đắt tiền). Để đạt được sự tăng trưởng này, các khách sạn sẽ phải mất rất nhiều năm và một lượng vốn khổng lồ để đầu tư vào bất động sản và hệ thống quản lý cơ sở vật chất và nguồn lực con người. Tương tự, Uber không sở hữu bất kỳ xe ô tô nào, mà vẫn đưa ra thị trường một nguồn cung dồi dào. Mô hình khai thác tài sản hiện có này đã giúp tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành cho xã hội.

Nền tảng giúp thúc đẩy cạnh tranh nhờ vào việc tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng với chi phí hợp lý hơn nhờ việc đưa ra thị trường một lượng cung dịch vụ mới, phong phú hơn với chi phí linh hoạt và thường thấp hơn so với dịch vụ do mô hình kinh doanh truyền thống cung cấp.

Nền tảng giúp tăng chất lượng dịch vụ và ứng xử của người dùng nhờ sự phản hồi từ cộng đồng: Với mô hình kinh doanh truyền thống, cơ chế kiểm soát chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào hệ thống nội bộ của công ty và thông tin phản hồi của khách hàng trực tiếp. Việc này thường khá hạn chế, khép kín và phục vụ mục đích nội bộ, hơn là đóng vai trò thông tin tham khảo khách quan và đáng tin cậy dành cho khách hàng tiềm năng. 

Những thách thức đi kèm

Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận rằng, các nền tảng đã định hình lại nhiều thị trường, gây ảnh hưởng, thậm chí phá vỡ nhiều mô hình kinh doanh truyền thống, điển hình là các nền tảng trong các ngành dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ du lịch lưu trú và các ngành kinh tế khác. Điều này đã dẫn đến những xung đột, phản ứng của các mô hình truyền thống với những nền tảng mới trên khắp thế giới.

Bên cạnh đó, sau một thời gian phát triển bùng nổ, hoạt động của các kinh tế nền tảng cũng đã bộc lộ một số vấn đề. Trách nhiệm đối với người tiêu dùng, việc làm ổn định đối với người lao động và thất thu thuế từ các kinh tế nền tảng là những chủ đề vẫn đang được tranh cãi gay gắt tại nhiều khu vực trên thế giới

Đầu tiên là việc tuân thủ quy định chưa được đảm bảo, ví dụ trong khi ngành khách sạn có những yêu cầu ngặt nghèo về an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh, đóng thuế, môi trường, người lao động... thì các nhà tư nhân cho thuê không bị kiểm soát vấn đề này. Quan ngại tương tự cũng được nêu ra đối với ngành vận tải, đặc biệt là đối với trường hợp lái xe không chuyên nghiệp (không có giấy phép).

Ngoài ra, điều phàn nàn phổ biến nhất đối với Airbnb là gây ra những tác động tiêu cực đối với hàng xóm của những nhà cho thuê, vì khách thuê có thể làm những điều trái phép hay cư xử thiếu văn minh.

Mặt khác, việc nền tảng thường đưa ra mức giá thấp hơn cũng gây bức xúc cho doanh nghiệp kinh doanh truyền thống. Thêm vào đó, các chiến dịch khuyến mại để kích thích cung - cầu thị trường cũng là một vấn đề khiến cho doanh nghiệp truyền thống lo ngại. Mô hình truyền thống tăng tính cạnh tranh bằng cách tập trung vào tăng tính kinh tế vì quy mô theo lượng cung (vì khi quy mô lớn, chi phí sản xuất bình quân của một đơn vị sản phẩm sẽ giảm). Trong khi đó, mô hình nền tảng muốn tăng trưởng thì phải phát triển dựa trên việc tạo ra hiệu ứng mạng hai chiều của thị trường (cả cung và cầu).  Với trường hợp Uber, khách hàng thu hút người lái xe và người lái xe thu hút lại khách hàng. Airbnb cũng vậy: chủ nhà thu hút khách thuê nhà và khách thuê nhà thu hút chủ nhà. Vì thế, doanh nghiệp nền tảng phải dựa vào thuật toán và đầu tư tài chính đáng kể để thúc đẩy sự kết nối hai chiều cung - cầu và kích thích sự tăng trưởng của thị trường.

Chúng ta cũng phải đề cập đến vấn đề bảo mật và tính riêng tư của dữ liệu. Trên thực tế, cũng có những vụ rò rỉ thông tin người dùng hoặc mua bán dữ liệu đã gây ra quan ngại cho xã hội.

Việt Nam, với lực lượng dân số trẻ, đông đảo, có mức độ ưa chuộng và tiếp cận công nghệ cao, là một thị trường vô cùng hấp dẫn và tiềm năng về thương mại điện tử nói chung, cũng như các nền tảng thương mại điện tử nói riêng. Từ sự ra đời của website vatgia.com vào năm 2006 đánh dấu sự xuất hiện của kinh tế nền tảng, cho tới nay, đã có thêm hàng chục các nền tảng thương mại điện tử được xây dựng và gia nhập thị trường. Hoạt động của các nền tảng này đã thâm nhập sâu rộng trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam, chủ yếu trong các ngành sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng, vận tải và du lịch. Do vậy, kinh tế nền tảng có tiềm năng rất lớn đối với nước ta.

Chuyên đề