Kinh tế 7 tháng tiếp đà tích cực

(BĐT) - Ngày 1/8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Thủ tướng cho rằng, kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, bức tranh vĩ mô tiếp tục có chiều hướng tốt.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019. Ảnh: VGP

Nhiều tín hiệu vui

Thủ tướng cho biết về thông tin vừa được công bố sáng 1/8, đó là chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam tháng 7 tăng so với tháng 6 (từ 52,5 điểm lên 52,6 điểm). So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 sau Myanmar (52,9 điểm), xếp trên Philippines (52,1 điểm), Thái Lan (50,3 điểm). Ước tính dựa vào PMI cho thấy sản lượng ngành sản xuất sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số theo năm vào quý III/2019.

Thủ tướng cũng chia sẻ thông tin 4 ngân hàng lớn của Việt Nam đồng loạt hạ lãi suất từ sáng nay sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho kinh doanh, giúp tăng trưởng tốt hơn.

Theo Lãnh đạo Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá Việt Nam tăng trưởng 6,8%, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng 6,5%, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng 6,6% và Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,7%. Chỉ số Phát triển bền vững năm 2019 (SDG Index 2019) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp hạng 54/162 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 ở ASEAN. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2019) mới được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, theo đó Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 ở ASEAN.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại phiên họp cũng cho thấy nhiều chỉ số vĩ mô tích cực, ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%. Xuất siêu 1,8 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Ngành nông nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Cần tiếp tục nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực

Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng chỉ ra nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, như thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chưa cải thiện nhiều; sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn một số hạn chế. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý thêm về những bức xúc nổi lên để cùng tháo gỡ.

Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành và địa phương những tháng cuối năm cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đặc biệt cần tăng cường đôn đốc, giám sát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Có 9 nhóm giải pháp được Bộ KH&ĐT đưa ra trong báo cáo tại Phiên họp. Trong đó, phải tăng cường theo dõi, đánh giá phân tích tình hình kinh tế thế giới và trong nước, kịp thời đề xuất các giải pháp xử lý trước những tác động của căng thẳng chính trị giữa các quốc gia, xung đột thương mại và bảo hộ mậu dịch đến kinh tế Việt Nam.

Đồng thời phải kiên định thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện quyết liệt các giải pháp ổn định giá cả, nhất là đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý…

Theo chương trình Phiên họp, bên cạnh thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến về một số nội dung như: Vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 51/NQ-CP về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công của các bộ, cơ quan, địa phương; phương án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển Đà Nẵng để bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2019; về đề nghị xây dựng nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần…

 

Chuyên đề