Kinh tế 2017: Một năm giàu cảm xúc

(BĐT) - Chúng ta đã đi hết năm 2017 với rất nhiều cảm xúc và kết quả ngoạn mục đạt được đang tạo ra không khí phấn khởi, niềm tin và tâm thế vững vàng để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Bước đi của năm 2018 cần nhanh hơn, bởi vì Việt Nam bắt buộc phải phát triển so với chính mình và đuổi theo tốc độ của các nước trong khu vực và thế giới, nếu không muốn tụt hậu. Ảnh: Trần Hải
Bước đi của năm 2018 cần nhanh hơn, bởi vì Việt Nam bắt buộc phải phát triển so với chính mình và đuổi theo tốc độ của các nước trong khu vực và thế giới, nếu không muốn tụt hậu. Ảnh: Trần Hải

Một năm “thử lửa”, tôi luyện chắc chắn sẽ đem đến một “sức khỏe” tốt hơn cho nền kinh tế để nắm bắt những cơ hội mới và “đề kháng” được những thách thức, rủi ro khó lường.

Nhiều cung bậc thăng trầm

Đi từ lo lắng sau kết quả tăng trưởng GDP 2 quý đầu năm, đến quyết tâm bứt phá, hành động quyết liệt, rồi những con số tăng trưởng ấn tượng của quý 3 dẫn đến hoài nghi, sau đó là niềm tin được củng cố để đồng lòng thực hiện mục tiêu, đưa đến kỳ tích tăng trưởng cả năm ngoài dự báo. Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm nhiều xúc cảm với nhiều cung bậc thăng trầm.

Hết quý I/2017, GDP chỉ tăng trưởng 5,15%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Đến hết quý II, GDP có tăng nhanh hơn, nhưng mới chỉ đạt 6,28%, đặt ra áp lực rất lớn cho nửa năm còn lại.

Sự lo lắng bao trùm về khả năng nền kinh tế bước vào chu kỳ suy giảm, trì trệ. Nhiều ý kiến khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng, lo ngại nếu cứ giữ mục tiêu ban đầu có thể sẽ phải dùng các biện pháp kích thích tăng trưởng gây bất ổn kinh tế. Nhiều tổ chức nghiên cứu, chuyên gia đã không ngần ngại cảnh báo mục tiêu GDP như Quốc hội thông qua là bất khả thi.

Đây là thử thách rất lớn với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, ông “hết sức lo lắng” với kết quả tăng trưởng của quý I. Tuy nhiên, ngay trong phiên họp Chính phủ tháng 3, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đều thống nhất coi việc nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng là quyết tâm chính trị. Đây không phải là vấn đề con số, thành tích, mà là chỉ tiêu cần thiết để bảo đảm các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của người dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự kiên định với mục tiêu tăng trưởng đề ra, chỉ đạo xây dựng kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực; thảo luận, thống nhất tại phiên họp Chính phủ hàng tháng và yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt, có biện pháp cụ thể, phát triển mạnh các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch.

Đồng thời, Chính phủ cũng khẳng định tăng trưởng cao không có nghĩa là tăng trưởng bằng mọi giá, mà tận dụng triệt để các cơ hội để đẩy mạnh tăng trưởng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhắc đến quan điểm này của Chính phủ, nhấn mạnh tăng trưởng phải bảo đảm yếu tố bền vững, ổn định vĩ mô, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, không để lại hệ quả cho tương lai. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chứng minh, so với điều kiện của các năm trước, các ngành còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh hơn và có đủ cơ sở để tự tin phấn đấu với mục tiêu tăng trưởng đã định.

Toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân dường như đã có được sự đồng thuận, để chung tay quyết tâm, nỗ lực vì mục tiêu chung.

Hết quý III, tăng trưởng kinh tế đạt con số bất ngờ 7,46%. Đâu đó lại dấy lên sự hoài nghi về số liệu thống kê. Nhưng sự tăng trưởng rõ nét của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ, nguồn vốn FDI ồ ạt đổ vào Việt Nam, doanh nghiệp trong nước phấn khởi tin tưởng kinh doanh… chính là sự khẳng định nền kinh tế đang tăng trưởng dựa trên những nền tảng vững chắc. Lúc này, Chính phủ thêm tự tin điều hành nền kinh tế đến đích tăng trưởng, nhưng xác định không được chủ quan, lơ là trong giai đoạn nước rút.

Có lẽ 3 tháng cuối cùng của năm đem đến cảm giác hồi hộp cho rất nhiều người. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương là bản thân cũng hồi hộp với diễn biến kinh tế tháng 10, tháng 11 rồi tháng 12, và cuối cùng cũng đã đạt được mục tiêu.

Con số tăng trưởng GDP của quý IV đạt 7,65%, đưa cả năm đạt 6,81% là kết quả ngoạn mục, nhưng đầy thuyết phục, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2008. Đây cũng là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát bình quân cả năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Sau rất nhiều năm, 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức; các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực vào những cải thiện của nền kinh tế thể hiện qua sự thăng hạng vượt bậc của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và dự báo tăng trưởng trong các bảng xếp hạng quan trọng. So với năm 2016, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc (từ 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc (từ 60 lên 55/137 nền kinh tế).

Kỳ tích tăng trưởng đã đạt được mà không phải đánh đổi, trả giá bằng bất ổn vĩ mô, thâm dụng tài nguyên hay tín dụng. Bởi nền kinh tế đã đi đến đích từ những nền tảng vững chắc, từ sự khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu, thu hút đầu tư tư nhân… Đó cũng là kết quả của quá trình tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả, cải thiện môi trường kinh doanh và phát huy tích cực vai trò Nhà nước kiến tạo, như lý giải của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.     

Nhiều kỷ lục được xác lập trong năm qua, như xuất khẩu đạt con số 213 tỷ USD; tổng vốn FDI đăng ký đạt 35,88 tỷ USD, giải ngân đạt 17,5 tỷ USD. Tổng mức đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2017 tăng so với năm 2016, trong đó đáng chú ý là đầu tư của khu vực ngoài nhà nước chiếm đến trên 40%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh về số lượng và tổng vốn đăng ký. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; bội chi ngân sách ở mức thấp, khoảng 3,5% so với GDP. Thị trường tiền tệ ổn định; dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD. Thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, vượt mốc 970 điểm, cao nhất kể từ năm 2008…

Gắn liền với các con số, chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng được nâng cao, dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho tăng trưởng kinh tế đã cải thiện rất nhiều. Ông Nguyễn Bích Lâm dẫn chứng, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm nay là 45,19%, cao hơn so với mức đóng góp năm 2016 là 40,68% và cao hơn hẳn so với mức đóng góp trung bình 33,58% của giai đoạn 2011 - 2015. Hệ số ICOR (chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) năm nay được ước tính ở mức thấp chỉ 6,21, trong khi năm ngoái là 6,41, cho thấy đồng vốn đầu tư ngày càng được sử dụng hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Lâm, trong tăng trưởng kinh tế năm nay, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã ngày càng đậm nét. Tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội gia tăng trong 3 năm trở lại đây, từ mức 38,7% năm 2015 đã tăng lên mức 40,6% trong năm 2017. Điều này cho thấy Chính phủ đã huy động hiệu quả hơn nguồn lực trong khu vực tư nhân vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khí thế mới, động lực mới, tầm nhìn mới

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cho thấy, 44,8% số doanh nghiệp được điều tra đánh giá tình hình kinh doanh quý IV/2017 tốt hơn các quý trước và quý I năm 2018, 48,2% doanh nghiệp dự cảm xu hướng sẽ tốt hơn.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra những ngày cuối năm 2017, Chính phủ đề ra phương châm hành động cho năm nay là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp… Tăng trưởng GDP năm nay phấn đấu đạt 6,7% và tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Mục tiêu của năm nay được đánh giá là thận trọng, nhưng các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đều cho rằng, đó là con số phù hợp tạo cơ hội để phát triển nhanh đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng. 

Dù năm 2018 mới bắt đầu, nhưng đang có nhiều dự cảm tươi sáng. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế của năm 2018 thậm chí có thể đạt tới 6,8%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cho thấy, 44,8% số doanh nghiệp được điều tra đánh giá tình hình kinh doanh quý IV/2017 tốt hơn các quý trước và quý I năm 2018, 48,2% doanh nghiệp dự cảm xu hướng sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra cuối tuần qua vẫn lưu ý không chủ quan thỏa mãn, không say sưa với chiến thắng và không ngủ quên trong vòng nguyệt quế. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế thế giới nhiều rủi ro, những hạn chế, yếu kém tích tụ tồn đọng từ lâu trong nội tại nền kinh tế không dễ một sớm một chiều khắc phục ngay.

Để đạt mục tiêu năm 2018, các giải pháp căn cơ vẫn là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động và linh hoạt trong chính sách tiền tệ, chặt chẽ trong chính sách tài khóa, tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao năng suất lao động gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chủ động nắm bắt cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0... Đặc biệt, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, để trên “nóng” dưới cũng “nóng”, để toàn hệ thống cùng chuyển động mạnh mẽ vì lợi ích chung của đất nước.

Bước đi của năm 2018 sẽ cần phải nhanh hơn, bứt tốc hơn, bởi vì Việt Nam đang không đi một mình. Hội nhập sâu rộng khiến nền kinh tế Việt Nam bắt buộc phải phát triển so với chính mình và đuổi theo tốc độ của các nước trong khu vực và thế giới, nếu không muốn tụt hậu. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra yêu cầu kép, đó là phải nỗ lực phấn đấu để nước ta không chỉ năm sau tiến bộ hơn năm trước, mà phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Hành trình một năm mới của nền kinh tế đang mở ra. Như cách nói của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tuy đạt được nhiều thành tích quan trọng, nhưng tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, tất cả những thách thức, những mong muốn của chúng ta đang còn ở phía trước, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa với một tâm thế, một tư duy và một tầm nhìn mới. Trước những thách thức trong trung và dài hạn, chúng ta cần có sự lựa chọn chính xác, cũng như cần có quyết tâm, ý chí, bản lĩnh để đi thật nhanh trên con đường đã chọn. Bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, mỗi một bước đi của thế giới có thể khiến chúng ta phải bước rất nhiều bước. Để bắt kịp được với thế giới, chúng ta không những phải nỗ lực theo cấp số nhân, mà còn phải có tầm nhìn và hành động.

Chuyên đề