Kinh tế 2 tháng: Nhiều điểm sáng

(BĐT) - Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm. Theo đó, số liệu về xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhiều lĩnh vực khác cho thấy những tín hiệu khả quan đối với nền kinh tế.
Cả nước đã xuất siêu 865 triệu USD trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Huyền Trang
Cả nước đã xuất siêu 865 triệu USD trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Huyền Trang

Nhiều tín hiệu lạc quan

Hoạt động thu hút FDI “mở hàng” đầu năm với những con số tăng trưởng hết sức ấn tượng về số dự án đầu tư và giá trị cấp phép. Theo số liệu thống kê, tính từ đầu năm tới cuối tháng 2/2016, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và cấp bổ sung đạt 2.803,4 triệu USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện 2 tháng đầu năm ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo Tổng cục Thống kê, lượng vốn này cộng với sự tăng lên của vốn ngoài nhà nước (riêng khu vực doanh nghiệp đăng ký 2 tháng đạt 113.000 tỷ đồng, tăng 45,8%) và sự nỗ lực đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (2 tháng đạt 25.283 tỷ đồng, tăng 5,4%) sẽ là cơ sở để tỷ lệ vốn đầu tư/GDP vượt mức 31%. Cùng với việc nâng cao hiệu quả đầu tư, sẽ góp phần tạo nền tảng thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt và vượt cao hơn theo Nghị quyết của Quốc hội.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, tính chung 2 tháng đầu năm cả nước đã xuất siêu 865 triệu USD. Khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu nhưng đã giảm so với cùng kỳ năm 2015 cả về giá trị nhập siêu (gần 2,1 tỷ USD so với gần 2,85 tỷ USD) và tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (29,9% so với 41,7%). Đây là tín hiệu đáng mừng khi trong 2 tháng đầu năm 2015 cả nước nhập siêu 1.413 triệu USD, cả năm 2015 nhập siêu 3.538 triệu USD.

Đáng mừng là nhập siêu từ Trung Quốc đã giảm từ 5,2 tỷ USD xuống 4,7 tỷ USD, từ Hàn Quốc giảm từ 2,97 tỷ USD xuống 2,6 tỷ USD; trong khi xuất siêu với  Hoa Kỳ tăng từ 3,4 tỷ USD lên 4,1 tỷ USD, với EU tăng từ 2,65 tỷ USD lên 3,4 tỷ USD. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã chiếm 30,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cao hơn tỷ trọng của cùng kỳ năm trước (29,7%) và cao hơn tỷ trọng của cả năm 2015 (29,5%). Tính từ đầu năm tới nay đã có 29 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, đây là những mặt hàng hứa hẹn sẽ đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong cả năm 2016.

Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đã tăng tới 16% so với cùng kỳ năm trước; lượng kiều hối đổ về tăng đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối và giúp tỷ giá VND/USD không tăng cao.

Một tín hiệu khả quan khác là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 không tăng, tháng 2 tăng cao, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm vẫn thuộc loại thấp nhất so với cùng kỳ các năm từ 2014 trở về trước. Đây là tín hiệu tích cực cho việc kiểm soát lạm phát để thực hiện mục tiêu duy trì CPI cả năm tăng dưới 5%. 

Cẩn trọng với những rủi ro tiềm ẩn

Lạc quan với những tín hiệu tăng trưởng đáng mừng nêu trên, song Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, cần theo dõi sát các diễn biến kinh tế trong thời gian tới, bởi có những chỉ số giảm, tăng trưởng chậm lại cho thấy vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chậm lại, còn của ngành công nghiệp khai khoáng bị giảm, trong khi mục tiêu tăng trưởng chung GDP của năm nay cao hơn năm trước. Việc tăng chậm lại của công nghiệp do 2 yếu tố chủ yếu.

Thứ nhất, số doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp nói riêng bị phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động tiếp tục với số lượng nhiều, tăng lên và đã kéo dài (trong 2 tháng tổng số doanh nghiệp giải thể là 2.195, tăng 6,8%).

Thứ hai, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 16.471, tăng 17,9%. Xuất khẩu của khu vực có vốn FDI và nhiều mặt hàng công nghiệp tăng thấp, thậm chí còn bị giảm sâu.

Đặc biệt, trong năm 2016, dự báo thời tiết khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với ngành sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó là vấn đề khó khăn trong tiêu thụ nông sản cả ở trong nước và xuất khẩu, nhất là xuất khẩu cà phê, chè, hạt tiêu, sắn, cao su... giảm sâu. Nhiều khả năng giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp, thủy sản năm nay sẽ là năm thứ hai tăng thấp.

Trong khi đó, xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng cao, mà chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh (giảm 6,4%), xuất khẩu tăng chậm (2,9%). Nhập khẩu giảm chủ yếu do nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước bị suy giảm. Nhập siêu từ Trung Quốc giảm nhưng quy mô còn lớn, trong khi nhập siêu từ Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Brazil... lại tăng. Các diễn biến này cần được theo dõi chặt chẽ, đồng thời có những giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu kinh tế năm 2016 đã đề ra.

Chuyên đề