Kiên quyết xóa lợi ích nhóm chi phối chính sách

(BĐT) - Mốc thời gian 1/7/2016 đang cận kề, thời điểm hơn 3.500 điều kiện đầu tư, kinh doanh được quy định tại các thông tư không được nâng cấp lên thành nghị định sẽ hết hiệu lực. Và cuộc chạy đua nước rút để cán mốc thời gian này của các bộ đang làm dấy lên không ít quan ngại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới. Ảnh: Quang Hiếu

Không sao chép thông tư để nâng cấp thành nghị định

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật năm 2016 khẳng định: “Công tác xây dựng thể chế rất quan trọng trong bối cảnh phải xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Do đó, với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật, mà quan trọng là chất lượng văn bản đó như thế nào”. Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta không phải chạy theo số lượng, mà là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp thời gian tới”. Đặc biệt, trước mối quan ngại nâng cấp thông tư lên nghị định trong hướng dẫn thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới.

Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế, hầu như các dự thảo nghị định “rút gọn” được các bộ, cơ quan ngang bộ quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh vừa trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành cho thấy họ đang nỗ lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Song, đáng ngại là, để kịp hoàn thành hướng dẫn trình Chính phủ trước ngày 1/7, có vẻ như không ít các đơn vị được giao rà soát, soạn thảo, ban hành nghị định đã nâng cấp thông tư thành nghị định. Đơn cử như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích hợp 39 thông tư trong 1 nghị định, Bộ Y tế gộp 70 thông tư trong 12 nghị định, Bộ Công Thương thì dường như nâng cấp cơ học 23 thông tư vào chung 1 nghị định…

Lăn tăn chất lượng

VCCI vừa có một bản báo cáo gửi Chính phủ dài hơn 300 trang góp ý vào 311 điều kiện đầu tư, kinh doanh được quy định tại các dự thảo nghị định trình Chính phủ xem xét, ban hành mà tổ chức này nhận được. Trong báo cáo này, VCCI đã kiến nghị loại bỏ 70 điều kiện đầu tư, kinh doanh được coi là không còn cần thiết; đồng thời sửa đổi hơn 100 điều kiện đầu tư, kinh doanh khác được quy định trong 49 dự thảo nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Kết quả là hầu như các kiến nghị đã được bộ, cơ quan ngang bộ tiếp thu với sự đồng thuận cao.
Trước áp lực về yêu cầu tiến độ và chất lượng các văn bản hướng dẫn hai đạo luật nêu trên, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao tinh thần tích cực của các bộ, cơ quan ngang bộ trong công tác này. Mặc dù vậy, ông Vũ Tiến Lộc thẳng thắn: “Trong 2 tháng qua, chúng ta đã làm khối lượng công việc bằng cả năm trước đây. Đáng lẽ là ngay khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được ban hành, chúng ta phải hướng dẫn thực thi với tinh thần tích cực, song đáng tiếc là trên thực tế, việc này chỉ diễn ra trong thời gian gần đây”.

Đồng quan điểm này, chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Ban thư ký Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho biết: “Có tình trạng là một số bộ, ngành quá “đủng đỉnh” trong công tác này, dù đã được Chính phủ đốc thúc trước đó. Vì vậy, để bảo đảm thời hạn như yêu cầu của Thủ tướng, các đơn vị này có thể sẽ không kịp rà soát các điều kiện kinh doanh một cách thấu đáo, mà chỉ đơn thuần là nâng cấp từ thông tư lên nghị định”.

Thông tin mới nhất từ Văn phòng Chính phủ cho biết, đến ngày 23/6, Chính phủ đã thông qua nhiều dự thảo nghị định về đầu tư, kinh doanh khác nhau. Một số dự thảo nghị định như điều kiện đầu tư kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo bồi dưỡng kiến thức môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản… do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Thủ tướng yêu cầu các bộ tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Chuyên đề