Kiểm soát chặt việc sử dụng vốn đầu tư công

(BĐT) - Trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ các vấn đề về giải pháp huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; việc phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; giải pháp nâng cao chất lượng các dự án FDI...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều ngày 14/6. Ảnh: Đoàn Bắc

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh đầu tư dàn trải

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu vấn đề cần xem xét lại hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tình trạng phân bổ vốn dàn trải vẫn còn, nhiều dự án bố trí vốn thấp, kéo dài thời gian thực hiện.

Làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, thời gian trước đây, do hệ thống pháp luật chưa được chặt chẽ nên việc quản lý và sử dụng hiệu quả đầu tư công chưa được đảm bảo. Từ đó, dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, các dự án được phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn (trước đây thường gấp khoảng 3 lần khả năng thu xếp vốn). Đó là thực tế đã diễn ra trong thời gian dài.

Để khắc phục tình trạng này, Luật Đầu tư công đã được ban hành với những quy trình chặt chẽ hơn từ lựa chọn dự án, thẩm định dự án, phê duyệt dự án... nhằm kiểm soát tình trạng đầu tư dàn trải. Qua theo dõi thực hiện, Bộ KH&ĐT nhận thấy vẫn còn những dự án bố trí vốn không được tập trung. Nguyên nhân là do nhu cầu về đầu tư phát triển của từng ngành, từng địa phương trong 5 năm còn lớn, nhưng khả năng thu xếp vốn lại thấp hơn.

Để khắc phục những bất cập này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tiếp tục triển khai đồng bộ chủ trương, định hướng trong đầu tư theo Nghị quyết của Quốc hội, Trung ương. Các cấp, ngành phải thực hiện nghiêm túc pháp luật về đầu tư công từ khâu chọn lọc dự án, đến thẩm định, phê duyệt... và các trình tự, thủ tục phải được thực hiện nghiêm túc, triển khai đồng bộ.

Ngoài ra, phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vì công tác này có ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư và hiệu quả đầu tư. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát đối với tất cả các khâu để đảm bảo quyết định lựa chọn đầu tư cũng như bố trí vốn phù hợp với tình hình thực tế.

Liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước thời gian vừa qua chậm so với kế hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh dàn trải, lãng phí, Luật Đầu tư công đã quy định nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ, với sự liên quan của nhiều cơ quan, tổ chức. Điều này đã gây ra sự bất cập về đáp ứng thời gian hoàn thiện các thủ tục theo quy định cũng như hoàn thiện phương án phân bổ, bố trí vốn cho từng dự án ở các bộ, cơ quan, địa phương; dẫn tới hệ quả là thời gian hoàn thiện kéo dài, quá trình tổng hợp và giao kế hoạch không đáp ứng thời hạn theo quy định.

Đối với việc giao vốn hàng năm và 5 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề này đã được quy định rõ trong Luật Đầu tư công. “Đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ các dự án. Theo đó, để đạt mục tiêu, các quy trình được thiết kế nhiều hơn, chặt chẽ hơn; các bước, các cơ quan tham gia lồng ghép cũng nhiều hơn, dẫn đến thủ tục phức tạp hơn. Do thực hiện thủ tục theo Luật mới nên các bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong thời gian đầu thực hiện Luật” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình. 

Khuyến khích thu hút FDI

Quan tâm đến hiệu quả trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thông tin, trong 30 năm thu hút FDI, Việt Nam đã thu hút 23.000 dự án FDI, với vốn giải ngân thực hiện trên 160 tỷ USD. Khu vực FDI có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội với 18% GDP, 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu... Tuy nhiên lĩnh vực này cũng còn nhiều tồn tại. “Chính phủ có giải pháp đồng bộ như thế nào để khắc phục những tồn tại nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường?” – đại biểu Ngân đặt câu hỏi.

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vai trò, vị trí, đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, vẫn còn những mục tiêu trong thu hút FDI mà chúng ta chưa đạt được. Một số dự án sử dụng công nghệ không phải là công nghệ tốt, công nghệ cao, còn có sự chuyển giá; một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp còn nặng về gia công, sử dụng nhiều lao động, năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào.

“Tuy nhiên, không phải vì những hạn chế này mà không tiếp tục khuyến khích thu hút FDI. Vì trong tổng đầu tư toàn xã hội các giai đoạn sắp tới, khi đầu tư từ ngân sách khó khăn, hạn hẹp, chúng ta sẽ phải dựa vào FDI, đầu tư tư nhân, đầu tư từ xã hội. Do đó, chính sách định hướng vẫn phải là thu hút đầu tư FDI nhưng hướng tới những ngành công nghệ cao, công nghệ mới thân thiện với môi trường, ít sử dụng lao động, tài nguyên, năng lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chuyên đề