Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai: Cửa ngõ phát triển năng động

(BĐT) - Kinh tế cửa khẩu (KTCK) được xác định là một trong ba trụ cột kinh tế quan trọng nhất của Lào Cai. Do đó, tỉnh Lào Cai đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển Khu KTCK Lào Cai với tổng diện tích gần 16 nghìn ha, trải dài từ TP. Lào Cai đến các huyện Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương và Si Ma Cai, tạo nên một vùng kinh tế động lực của Tỉnh.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đứng thứ 3 trong các cửa khẩu quốc tế phía Bắc Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đứng thứ 3 trong các cửa khẩu quốc tế phía Bắc Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Trong tiến trình xây dựng và phát triển Khu KTCK Lào Cai, ngay từ những ngày đầu, Lào Cai đã định vị vai trò, vị trí “địa kinh tế, địa chính trị” của khu kinh tế này trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Khu KTCK Lào Cai cũng là khu KTCK duy nhất ở phía Bắc có cửa khẩu quốc tế nằm trong thành phố, có kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ khá phát triển, phục vụ thuận lợi cho nhu cầu giao thương xuất nhập khẩu, du lịch và dịch vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tính đến nay, đã có 216 dự án được đầu tư tại Khu KTCK Lào Cai với tổng vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, khu kinh tế cửa khẩu này có 2.161 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký kinh doanh với nhiều loại hình khác nhau. Tốc độ tăng trưởng bình quân tại các khu, cụm công nghiệp luôn đạt trên 20%/năm.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm của Khu KTCK Lào Cai đứng thứ 3 trong các cửa khẩu quốc tế phía Bắc Việt Nam (sau cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn). Khu KTCK Lào Cai hoạt động sôi nổi đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Tỉnh. Cũng nhờ lợi thế về cửa khẩu mà dịch vụ, du lịch của tỉnh Lào Cai được khai thác hiệu quả, đã và đang tạo bước phát triển mạnh mẽ cho tỉnh nhà.

UBND tỉnh Lào Cai cho biết, doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu KTCK Lào Cai giai đoạn 2016 - 2018 đạt 31.774 tỷ đồng, trong đó năm 2016 đạt 5.707 tỷ đồng; năm 2017 đạt 11.849 tỷ đồng (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2016); năm 2018 đạt 14.218 tỷ đồng. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giai đoạn 2016 - 2018 đạt 7,8 tỷ USD, trong đó năm 2016 đạt 2,2 tỷ USD, năm 2017 đạt hơn 2,6 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2016), năm 2018 đạt 3 tỷ USD (tăng 14,3% so với năm 2017), tăng trưởng bình quân 15%/năm. Số lượng người xuất nhập cảnh tăng dần qua các năm, giai đoạn 2016 - 2018 đạt 12.703 lượt người, trong đó năm 2016 đạt 3.594 lượt người, năm 2017 đạt 4.336 lượt người (tăng 20% so với năm 2016), năm 2018 đạt 4.773 lượt người (tăng 10% so với năm 2017).

Tính đến nay, đã có 216 dự án được đầu tư tại Khu KTCK Lào Cai với tổng vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, khu kinh tế cửa khẩu này có 2.161 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký kinh doanh với nhiều loại hình khác nhau.
Thực tế cũng cho thấy, Khu KTCK Lào Cai phát triển sôi động đã tạo ra hàng nghìn việc làm mới. Đến nay, các hoạt động kinh tế tại Khu KTCK Lào Cai giải quyết việc làm cho hơn 7.300 lượt người, trong đó 80% là lao động địa phương. Trong 3 năm 2016 - 2018, Khu kinh tế đã thu hút trên 4.316 lao động có tay nghề vào làm việc. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng. Lực lượng lao động này góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho địa phương.

Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động của Khu KTCK Lào Cai chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của Lào Cai trong những năm qua. Giai đoạn 2016 - 2018, thu từ Khu KTCK Lào Cai đạt 5.912 tỷ đồng, trong đó năm 2016 đạt 1.317 tỷ đồng, năm 2017 đạt 2.125 tỷ đồng (tăng 61% so với năm 2016), năm 2018 đạt 2.470 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2017).

Mục tiêu của tỉnh Lào Cai đến năm 2025 là trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu. Theo đó, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ đầu tư phát triển Khu KTCK Lào Cai gắn liền với phát triển TP. Lào Cai trở thành đô thị loại I và là đầu mối trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics lớn trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hình thành khu cửa khẩu quốc tế “hạt nhân” với diện tích khoảng 11 km2 về phía Bát Xát, đối diện với Khu Bá Sái - Trung Quốc với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh.

Tỉnh Lào Cai cũng sẽ thực hiện chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút đầu tư vào Khu KTCK, đẩy nhanh tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, dịch vụ cửa khẩu, du lịch, vui chơi giải trí của Tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển Khu KTCK Lào Cai thành khu kinh tế động lực và là khu KTCK tầm cỡ quốc tế, có vai trò quan trọng trong giai đoạn hội nhập toàn diện của Việt Nam, tỉnh Lào Cai đã đề nghị Chính phủ tiếp tục lựa chọn Khu KTCK Lào Cai là một trong các khu KTCK trọng điểm phát triển đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, tăng nguồn đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ hạ tầng KTCK để đầu tư mở rộng và hoàn thiện hạ tầng Khu KTCK Lào Cai. Trước mắt, nên đầu tư xây dựng khu vực kiểm hóa tập trung, khu dịch vụ kho bãi logistics, dịch vụ hậu cần lưu trữ hàng hóa xuất nhập khẩu của các cửa khẩu, lối mở, khu công nghiệp thuộc khu kinh tế; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu cửa khẩu, khu lối mở và khu công nghiệp thuộc Khu KTCK tỉnh Lào Cai; xây dựng khu phi thuế quan tại Bản Qua, Bản Vược (Bát Xát).

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cũng đề xuất Chính phủ ưu tiên nguồn vốn đầu tư hỗ trợ Lào Cai xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng tại khu vực Cửa khẩu Bản Vược, huyện Bát Xát, vì đây là công trình quan trọng kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Việt Nam) với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu (Trung Quốc), kết nối Việt Nam với khu vực Tây Nam Trung Quốc.

Với cách nghĩ, cách làm riêng, sự đột phá trong tư duy đầu tư và phát triển cùng nhiều giải pháp đồng bộ, Lào Cai đang nỗ lực xây dựng Khu KTCK Lào Cai trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa của các nước tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN, Trung Quốc; là trung tâm logistics hiện đại kết nối đồng bộ với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, ga đường sắt, mạng lưới giao thông đường bộ... Việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tỉnh Lào Cai xác định là yếu tố sống còn để hiện thực hóa mục tiêu phát triển Khu KTCK.

Chuyên đề