Không thay đổi, đừng nghĩ đến thành công

(BĐT) - Sân chơi hội nhập đã xuất hiện những chuyển biến đầy kịch tính. Đáng chú ý, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang đứng trước đòi hỏi về việc phải cải tổ mạnh mẽ. Trong khi đó, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã bước vào cuộc chơi của những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Tham gia FTA thế hệ mới là một cú huých mới với những quy định, những cam kết đòi hỏi Việt Nam phải vươn lên để vận hành một nền kinh tế phát triển, công khai, minh bạch, bình đẳng với mọi thành phần. Ảnh: Lê Tiên
Tham gia FTA thế hệ mới là một cú huých mới với những quy định, những cam kết đòi hỏi Việt Nam phải vươn lên để vận hành một nền kinh tế phát triển, công khai, minh bạch, bình đẳng với mọi thành phần. Ảnh: Lê Tiên

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) dành cho Báo Đấu thầu cuộc trao đổi về thực trạng và những xu hướng mới của thương mại quốc tế, những đòi hỏi đối với Việt Nam trong thực thi các FTA thế hệ mới.

Ai cài đặt luật chơi?

Tổng thống Mỹ ngày 13/8 tuyên bố nước này sẽ rút khỏi WTO nếu tình hình không được cải thiện. Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump dọa rút khỏi WTO. Ông nhiều lần khẳng định Mỹ bị đối xử không công bằng trong thương mại quốc tế nên Washington không phải tuân thủ mọi quy tắc của WTO. Ông cũng cho rằng, WTO phải thay đổi đường hướng hoạt động.

Vậy WTO là gì? Từ góc độ tổ chức, đó là tổ chức tập hợp 164 nền kinh tế trên thế giới. Về góc độ pháp lý, WTO là khung pháp lý để vận hành nền kinh tế toàn cầu hóa mà nguyên tắc của nền kinh tế toàn cầu hóa thể hiện trong khung pháp lý về ba mặt: thương mại tự do; kinh tế ngày càng mở cửa; môi trường kinh tế công khai, minh bạch, bình đẳng và không phân biệt đối xử.

Khung pháp lý của WTO là kết quả của xu thế toàn cầu hoá tất yếu. Kết quả này dẫn đến quá trình phát triển tiếp theo với việc hình thành một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Các FTA này - như CPTPP hay EVFTA - được hình thành trên cơ sở các FTA của Mỹ với các nước khác, hay nói cách khác là Mỹ cài đặt cuộc chơi từ đầu và quá trình toàn cầu hoá chính là quốc tế hoá hệ thống pháp luật của Mỹ.

Đáng chú ý, các FTA thế hệ mới đã bước vào giai đoạn cao hơn, sâu hơn các cam kết gia nhập WTO. CPTPP và EVFTA buộc các quốc gia phải thay đổi cách thức điều hành nền kinh tế chứ không chỉ cắt giảm thuế quan.

Xuất hiện xu hướng muốn phá vỡ

Không thay đổi, đừng nghĩ đến thành công ảnh 1
Ông Nguyễn Đình Lương
Quá trình toàn cầu hoá đã và đang diễn ra cùng với những thay đổi mạnh mẽ từ nhiều mặt. Các quốc gia trên thế giới dù giàu hay nghèo đều muốn đất nước mình phát triển càng nhanh càng tốt. Tương quan lực lượng trên thế giới thay đổi và hình thành các xu thế chính trị mới.

Khác với tư tưởng thúc đẩy toàn cầu hoá mạnh mẽ của các đời tổng thống trước, nước Mỹ thời Tổng thống Trump cũng đã thay đổi cách nhìn nhận về thế giới với phương châm “Nước Mỹ trên hết”. Điều đó dẫn đến tình huống nhiều nước và một số tổ chức cảm thấy không thể dựa dẫm hoàn toàn vào Mỹ nên phải dần dần xây dựng lực lượng và từ đó phát triển tư tưởng chủ nghĩa cơ hội. Tức là, không toàn tâm toàn ý “chơi” với Mỹ, mà cứ có lợi về kinh tế thì chơi.

Mặt khác, sau hơn 2 thập kỷ hình thành và phát triển, WTO bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập. Đó là sự không công bằng, nhiều nước cam kết một đường làm một nẻo. Chẳng hạn, WTO cấm việc ăn cắp và vi phạm bản quyền, cấm trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, trong khi đó, tình trạng này xảy ra tràn lan ở nhiều nước. Thêm vào đó, vì phát triển nhanh nên cơ chế quản lý của WTO trở nên lỏng lẻo, thực thi luật pháp không nghiêm, thưởng phạt không rõ ràng.

Đáng chú ý, Mỹ cho rằng họ chịu thiệt thòi về nhiều mặt khi nhiều nước đã phát triển rất mạnh nhưng vẫn khư khư giữ vị thế “đang phát triển” để được hưởng ưu đãi. Do đó, Tổng thống Trump hiện có một số động thái phá vỡ quy định của WTO, chẳng hạn như quyết định tăng thuế với hàng hoá Trung Quốc. Mỹ cho rằng, việc áp dụng các lệnh trừng phạt bằng thuế quan này không căn cứ trên luật chơi của WTO mà dựa trên quy định pháp luật của Mỹ.

Nếu điều này xảy ra, khung pháp lý WTO có thể bị xé rách. Hậu quả tiếp theo là các chuỗi giá trị toàn cầu bị đe dọa đứt gãy. Bởi lẽ, các chuỗi giá trị vận hành trên luật chơi của WTO mà trung tâm của các chuỗi giá trị là các tập đoàn kinh tế với phần nhiều là tập đoàn của Mỹ. Nếu các chuỗi giá trị đứt gãy thì nền kinh tế thế giới có thể sẽ biến động theo hướng đẩy lùi về thời kỳ bảo hộ, mạnh ai nấy làm.

Tôi không nghĩ là Mỹ sẽ rút khỏi WTO, mà đây chỉ là đòi hỏi để cải tổ WTO một cách mạnh mẽ, triệt để. Đó là cải tổ từ sự công bằng, bình đẳng, đảm bảo bộ máy WTO có hiệu lực, cơ chế thưởng phạt được thực thi. Hơn hết, cuộc cải tổ này phải do Mỹ cầm trịch. Cuộc đàm phán này sẽ rất khó khăn và kéo dài.

Thích ứng và đổi thay

Trên cơ sở tư duy, nhận thức mới, chúng ta nhận diện cho thật rõ nền kinh tế Việt Nam đang ở độ nông, sâu nào trong dòng chảy toàn cầu hóa kinh tế và làm cho dòng chảy đó được thông suốt.
Việt Nam vừa phải thích ứng với những thay đổi của WTO lại phải nỗ lực đáp ứng và thực thi các tiêu chuẩn tại EVFTA và CPTPP.

CPTPP và EVFTA không chỉ là các hiệp định để mở cửa thị trường, mà là một khung pháp lý chung để vận hành nền kinh tế các nước thành viên, là hành lang pháp lý điều tiết các quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên.

Tham gia FTA thế hệ mới là một cú huých mới, không chỉ với thị trường và đầu tư, mà quan trọng hơn là với những quy định, những cam kết đòi hỏi Việt Nam phải vươn lên để vận hành một nền kinh tế phát triển, công khai, minh bạch, bình đẳng với mọi thành phần.

Tuy nhiên, qua 30 năm hội nhập kinh tế, ta nhận ra một thách thức mới, đó là sức ỳ của nhiều cơ quan, đơn vị quản lý kinh tế từ Trung ương đến địa phương. Sau khi gia nhập WTO, ngoài mấy bản hướng dẫn về cắt giảm các dòng thuế, hình như không có một chỉ đạo, chỉ dẫn nào cho doanh nghiệp, mặc cho doanh nghiệp tự bơi trong biển hội nhập mênh mông đầy sóng gió.

Giờ đây, để thực thi các FTA thế hệ mới kỳ này, chúng ta có hàng trăm, hàng ngàn việc phải làm và phải thay đổi, nếu không thay đổi cách làm việc thì đừng nghĩ đến thành công. Trên cơ sở tư duy, nhận thức mới, chúng ta nhận diện cho thật rõ nền kinh tế Việt Nam đang ở độ nông, sâu nào trong dòng chảy toàn cầu hóa kinh tế và làm cho dòng chảy đó được thông suốt.

Việc phải làm là dọn sạch rác bẩn đang cản trở dòng chảy như nạn tham nhũng, sự chi phối của lợi ích nhóm, cách quản lý kiểu "hành dân là chính", nạn giấy phép con...

Vừa qua, việc chống tham nhũng có chuyển động và đã có những kết quả ban đầu nhờ sự quyết liệt của các cấp lãnh đạo cao nhất. Nếu không thì cũng là nước chảy bèo trôi như từ trước đến nay.

Đồng thời với việc đó, cần xây dựng một chiến lược hội nhập cho rõ ràng, áp dụng cho thời đại toàn cầu hóa kinh tế, phần trọng tâm trong chiến lược này là chiến lược kết nối, chiến lược xây dựng chuỗi.

Một chiến lược đúng sẽ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội và cùng nhau triển khai, cùng theo đuổi một mục tiêu. Khi không có hướng dẫn chỉ đạo và mạnh ai nấy chạy, để mặc doanh nghiệp và địa phương tự bơi thì chúng ta sẽ thua cuộc.

Chuyên đề