Khơi thông “điểm nghẽn” logistics

(BĐT) - Mặc dù có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực logistics, nhưng chi phí logistics ở Việt Nam còn cao, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển thương mại, dịch vụ. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Làm thế nào để khơi thông điểm nghẽn này là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội thảo được tổ chức cuối tuần qua với chủ đề Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển thương mại, dịch vụ. 

Hạ tầng thương mại, dịch vụ còn hạn chế

Thương mại mở đường cho sản xuất, tiến thêm một bước nữa là logistics phát triển sẽ tạo được nền móng vững chắc cho phát triển thương mại, dịch vụ. Với quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, để phát triển thương mại, dịch vụ thì phải coi logistics là một ngành kinh tế chính thống (thay vì coi đây là ngành bổ trợ) để có đầu tư quan tâm phát triển thực sự. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình phát triển thực tế của ngành logistics hiện nay, hầu hết các ý kiến tại Hội thảo cho rằng vẫn còn điểm nghẽn.

Ông Hải nêu thực tế, hiện nay, thương mại điện tử khá phát triển, song người mua hàng vẫn mất nhiều thời gian để có thể nhận được hàng hóa đặt mua, mà tắc nhất vẫn là khâu vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, đề cập về hạ tầng thương mại phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết, hệ thống hạ tầng bán buôn, bán lẻ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Tính đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 8.500 chợ, hơn 950 siêu thị và 189 trung tâm thương mại tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Hệ thống hạ tầng thương mại bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh...) tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt; siêu thị, trung tâm thương mại còn ít.

Đặc biệt, cả nước mới có 50 trung tâm logistics tại 8 tỉnh, thành phố.

Than thở về gánh nặng chi phí logistics đối với ngành dệt may, ông Trần Việt Thanh, Giám đốc Tổng công ty May 10 ngao ngán: “Chi phí cho vận chuyển của Ngành hiện nay rất cao, thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”. 

Đổi mới chiến lược phát triển

Đặt vấn đề phát triển logistics gắn với thương mại điện tử, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, lợi ích chính của thương mại điện tử là thuận tiện, tiết kiệm chi phí (thời gian, tiền bạc), do đó chúng ta cần phát triển logistics phục vụ tốt thương mại điện tử. Nếu logistics không tốt thì sẽ triệt tiêu thương mại điện tử. Ông Trần Thanh Hải cho rằng, muốn phát triển được logistics thì phải có sự đầu tư thích đáng về cả phần cứng và phần mềm để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Hoàng Thọ Xuân cho rằng, cần có cách tiếp cận mới trong chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến 2035 để nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Theo hướng này, ông đề nghị hình thành và phát triển các trung tâm logistics cấp vùng, bám sát và phục vụ quá trình tối ưu hóa dòng vận động vật chất của hàng hóa trong các chuỗi cung ứng. Còn để cải thiện hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ thì cần có sự đầu tư thích đáng để kéo giảm chi phí logistics.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, tỉnh này sẽ tạo điều kiện về quỹ đất, vốn đầu tư, hạ tầng kỹ thuật và xã hội để hình thành một số cơ sở cung ứng dịch vụ logistics tập trung. Tiếp đó, đầu tư hoàn thiện giao thông theo đúng quy hoạch, đúng tiến độ…

Đề xuất hướng nâng cao chất lượng dịch vụ logistics phục vụ thương mại, dịch vụ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Vụ Thị trường trong nước đưa ra một số giải pháp chính như: Phát triển hạ tầng thương mại theo các quy hoạch được phê duyệt; rà soát, bổ sung, tích hợp các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung; hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại… Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại; đồng thời nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại.

Chuyên đề